(VOV5) - Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng sự suy thoái kinh tế toàn cầu… thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) thời gian qua tăng trưởng chậm.
Chính vì vậy, từ đầu năm nay, TP.HCM đã thay đổi chiến lược thu hút FDI, chọn lọc dự án có tính khả thi, sử dụng công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, từ 1988 đến tháng 4 năm nay, TP.HCM vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư từ 117 quốc gia, vùng lãnh thổ với 11.220 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 83 tỷ USD. Nhưng trong năm ngoái, tổng vốn FDI vào TP.HCM chỉ đạt hơn 4,3 tỷ USD, giảm gần 40% so với năm 2021.
Cần đẩy mạnh hoàn thiện các công trình hạ tầng đầu tư công, tăng cường liên kết vùng để thu hút nhà đầu tư. Ảnh minh họa: VOV |
Riêng 4 tháng đầu năm nay, thành phố tiếp nhận hơn 979,6 triệu USD vốn FDI, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI ở TP.HCM chủ yếu tập trung vào các ngành nghề, như: sửa chữa, thương mại, thông tin và truyền thông...
Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài còn phân vân khi quyết định đầu tư vào TP.HCM vì lo ngại những khó khăn do việc áp thuế tối thiểu toàn cầu làm mất lợi thế của các quốc gia đang có ưu đãi thuế như Việt Nam: “Chúng ta đang ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI rất nhiều, đặc biệt là các tập đoàn lớn mức thuế thấp hơn 15%. Nếu Việt Nam giữ ưu đãi đó thì ở chính quốc họ sẽ đánh thêm cho đủ 15%, ưu đãi sẽ không còn tác dụng vì các doanh nghiệp đó đằng nào cũng mất 15%, một phần đóng góp vào kinh tế cho Việt Nam, một phần nộp cho chính quốc.”
Ngay từ đầu năm nay, TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án Huy động đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố năm 2023. Theo đó, TP.HCM sẽ thu hút FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Các ngành được mời gọi đầu tư là cơ khí chế tạo; điện tử; công nghệ thông tin; nhựa - cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm; kinh tế số.
Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục tạo điều kiện cho Việt kiều tham gia đầu tư như góp vốn, góp cổ phần với các tổ chức doanh nghiệp trong nước, có chính sách ưu đãi thuế cho kiều bào, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút kiều hối vào các hoạt động đầu tư có hiệu quả. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ, chuyên gia tài chính – ngân hàng, đề nghị cần tiếp tục chính sách không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào; tăng lòng tin của kiều bào với những cơ hội đầu tư tại TP.HCM: “Chúng ta phải ổn định được kinh tế vĩ mô thì kiều bào mới gửi tiền về Việt Nam, dù là mục đích cá nhân, tiêu dùng, kinh doanh hay kinh doanh bất động sản. Kiều bào cũng biết là chúng ta đang gặp khó khăn trong quý 1/2023, chính vì vậy, những biện pháp cho kiều hối và kiều bào cần phải được tăng cường.”
Về giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chọn lọc, Thành phố tiếp tục xây dựng thêm một số khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nghiên cứu các chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi để thu hút các dự án lớn, công nghệ cao...
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC). Ảnh: VOV |
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), cho rằng: Bên cạnh việc tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng, mở rộng chính sách đầu tư; thay đổi cách tiếp cận, thu hút, cung cấp thông tin các nhà đầu tư quốc tế… thì TP.HCM cũng cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối Vùng: “TP.HCM không thể phát triển nếu chỉ đứng một mình. Thành phố chỉ có thể phát triển khi các tỉnh, thành xung quanh cùng phát triển. Khi đó, chúng ta sẽ lập ra các chuỗi liên kết. TP.HCM là một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết đó, hợp tác với các tỉnh, thành để hình thành vùng nguyên liệu, chuỗi cung ứng mạnh.”
Ông Phạm Phú Trường, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) cho rằng cùng với việc mở rộng liên kết vùng, ITPC tăng cường hợp tác với nhiều tổ chức, đơn vị khác để mời gọi các nhà đầu tư đến với TP.HCM: “Chúng ta có nhiều nhà thu hút đầu tư tự do. Các doanh nhân, quỹ đầu tư có nhiều quan hệ cũng là những đầu mối dễ chia sẻ, gần gũi với các nhà đầu tư khác. Trung tâm xúc tiến đầu tư có thể xem xét thêm mời những đơn vị đó hay nhóm các nhà thu hút đầu tư hiểu thành phố để lan tỏa thông điệp này.”
Bên cạnh đó, để giúp TP.HCM thu hút FDI, trong thời gian tới, ITPC tiếp tục đẩy mạnh mở rộng liên kết với các cơ quan ngoại giao các nước theo nhu cầu lĩnh vực thành phố ưu tiên mời gọi; hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cấp phép; tham mưu cho thành phố nâng cấp cơ sở hạ tầng; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các cuộc triển lãm về công nghiệp hỗ trợ, đầu tư kết nối với ngành sản xuất; xây trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành cơ quan tiếp nhận, tổng hợp thông tin phản hồi từ các sở ngành đối với các kiến nghị, vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư; đẩy mạnh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp…
Đồng thời, Thành phố sẽ xây dựng bảng đánh giá về các nhà đầu tư tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, để từ đó thu hút thêm những nhà đầu tư khác, mở ra không gian phát triển mới cho TP.HCM.