(VOV5) - Ngoài việc phát triển kinh doanh, tạo hiệu quả kinh tế, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phát triển bền vững, gìn giữ hệ sinh thái xanh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Những năm gần đây, dù chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập ngoại nhưng hàng Việt do các doanh nghiệp trong nước ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp… Hàng Việt ngày càng khẳng định chỗ đứng tại thị trường tiêu dùng nội địa.
Các sản phẩm mang thương hiệu Việt không ngừng được cải thiện hơn về chất lượng, mẫu mã, giá cả hợp lý. Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN |
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển mạnh sang việc phải chinh phục người tiêu dùng bằng cách nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm chi phí đầu vào và tăng dịch vụ hậu mãi để tăng sức cạnh tranh.
"Hiện nay, nếu so hàng ngoại nhập và hàng trong nước có thể thấy gần như là tương đương rồi, mà hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Mẫu mã đa dạng phong phú, giá cả so với hàng ngoại nhập thì rất là hợp lý. Tôi thấy hoàn toàn tin tưởng ủng hộ hàng Việt."
"Chất lượng hàng Việt Nam đã được cải thiện hơn rất nhiều và đa dạng về mẫu mã sản phẩm, giá thành thì cũng là khá là hợp lý. Cá nhân tôi ưu tiên sử dụng hàng Việt, phù hợp với nhu cầu, cũng như giá thành được thiết kế để phù hợp với túi tiền."
"Bản thân tôi có xu hướng là sử dụng hàng Việt nhiều hơn. Bởi vì hàng Việt hiện nay có những ưu điểm vượt trội. Nhiều sản phẩm chất lượng không thua kém gì so với hàng nhập khẩu đắt tiền."
Đến nay, nhiều mặt hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã đủ mạnh để chi phối thị trường. Nhiều sản phẩm hàng hóa đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, như: Sữa Vinamilk, trà Tân Cương, ô tô điện thông minh Vinfast, tổ yến, nước yến và tinh chất yến sào Sanvinest Khánh Hòa….
Ngoài việc phát triển kinh doanh, tạo hiệu quả kinh tế, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phát triển bền vững, gìn giữ hệ sinh thái xanh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm của Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco, công ty dược phẩm hàng đầu Việt Nam, là một ví dụ.
Bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco. Ảnh: baodautu.vn |
Bà Đào Thuý Hà, Phó Tổng Giám đốc cho biết các sản phẩm của Traphaco được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng sử dụng bởi sạch, an toàn cho sức khỏe người dùng là tiêu chí hàng đầu của doanh nghiệp: "Traphaco tập trung vào phát triển phục vụ cho việc tạo ra những dược liệu đầu vào ổn định có chất lượng cao thông qua một chuỗi giá trị xanh, sử dụng công nghệ xanh hiện đại để tạo ra những sản phẩm có chất lượng ổn định. Từ đó, mục tiêu là xây dựng các vùng trồng đạt theo tiêu chuẩn GACP-Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tạo ra những cây dược liệu sạch, tạo ra mô hình để người nông dân và doanh nghiệp tuân thủ các quy trình phát triển dược liệu sạch."
Theo thống kê từ Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sức mua của người tiêu dùng đối với hàng Việt ngày càng tăng cao và có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt... Đến nay, hàng Việt đã chiếm tỷ lệ hơn 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã ý thức tạo thương hiệu riêng để đáp ứng tốt xu hướng tiêu dùng, từng bước đưa hàng Việt trở thành một niềm tự hào của sản xuất trong nước nói riêng và là niềm tự hào dân tộc nói chung.
Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cho biết: "Những doanh nghiệp sản xuất đáp ứng được mẫu mã, bao bì, chất lượng hàng hóa. Để đảm bảo, thu hút được những sở thích của người tiêu dùng, những người trước đây thích dùng hàng ngoại nay quay về dùng hàng Việt Nam, doanh nghiệp cũng phải phấn đấu, muốn bán hàng ở thị trường trong nước thì phải đáp ứng được nhu cầu, phải tập cho người tiêu dùng có thói quen dùng hàng Việt Nam."
Hàng Việt ngày càng khẳng định được chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng, từ chỗ ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì nay người tiêu dùng cảm thấy tự hào khi dùng hàng Việt Nam.
Để phát huy kết quả này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cho rằng: "Về lâu dài, phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, làm cho sản xuất được hàng Việt Nam chất lượng, mẫu mã, giá cả phù hợp với người Việt Nam, có tính cạnh tranh. Thứ hai, bằng các chính sách để làm sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng phải kích thích được sản xuất tiêu dùng trong nước."
Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, sức mua ngày càng tăng là yếu tố tiềm năng để các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng Việt, để đạt mục tiêu đến năm 2030, thị phần hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử..., như Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.