(VOV5) - Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đại dịch không chỉ với bệnh nhân mà còn cả với nhân viên y tế.
Cho tới thời điểm hiện tại, diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn phức tạp, khó lường. Các chiến lược phòng chống sự lây lan của dịch bệnh nhanh chóng được triển khai với mong muốn đảm bảo đời sống vật chất cho người dân, sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần cũng cần được đảm bảo. Cùng với những nỗ lực của ngành y tế, ngành tâm lý trong nước, các chuyên gia y tế, chuyên gia tâm lý người Việt Nam ở nước ngoài cũng tham gia đồng hành trong các hoạt động tư vấn chính sách cho các cơ quan chính quyền, ngành y tế, hoặc chia sẻ thông tin tới người dân qua các hội thảo.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bài thuyết trình của TS Thân Hà Ngọc Thể, Phó chủ tịch thường trực Hội Y học chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam, Trưởng bộ môn Lão khoa - Khoa Y Đại học Y Dược TP HCM tại Webminar#3: Hiểu về tâm lý để an tâm giữa mùa dịch |
Đối với những người bị mắc covid, việc chăm sóc tinh thần hết sức cần thiết là điều được các chuyên gia y tế nói tới trong Hội thảo “Kinh nghiệm thực tiễn chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại Hoa Kỳ - Thành lập nhóm bác sỹ tư vấn từ xa cho F0 tại Đồng Nai và Tiền Giang” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ ngoại giao phối hợp với một số cơ quan ban ngành vừa tổ chức.
Tại đây, Phó Giáo sư, Bác sĩ Đoàn Đào Viên, Đại học Y khoa Riverside, Đại học California, Giám đốc Đoàn Y tế Samari Nhân Lành chia sẻ: “Khoảng 80% người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhe. Theo thống kê tôi được biết tỷ lệ tử vong ở Việt Nam chỉ có 2,5% mà thôi, còn thấp hơn tại Mỹ chúng tôi. Có nghĩa là 98% bệnh nhân dương tính covid sẽ sống, nên cái điều đầu tiên chúng ta phải làm là không nên hoảng hốt, sợ hãi. Hai là phải ở nhà khi chờ chăm sóc y tế. Vì có những người bị bệnh nhẹ, nghĩ là không có vấn đề gì cần quan tâm cả, họ đi ra ngoài và lây lan cho những người khác. Chúng ta chỉ chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi, uống nước thường xuyên và dùng các loại thuốc trị triệu chứng. Chẳng hạn như sốt thì uống paracetamol. Và chúng ta phải giữ liên lạc với nhân viên y tế. Nhưng trước tiên phải cách ly tại nhà, nói đi nói lại hoài nhưng điều đó rất là quan trọng.”
Làm sao để đảm bảo tâm lý trong lúc bệnh nhân ngoại trú tự điều trị ở nhà, Phó giáo sư, bác sĩ Đoàn Đào Viên nói: “Đây là vấn đề rất quan trọng mà cơ quan CDC Hoa Kỳ cũng có một đề nghị chúng ta cần phải làm: Khi xem tin tức nhiều thấy cảnh này cảnh nọ càng làm cho chúng ta lo sợ hơn nữa, thành thử ra đừng xem tin tức (tiêu cực) nhiều quá. Thứ hai là chăm sóc cho cơ thể của mình, tập thở, ăn uống, điều hòa trở lại, đừng có nằm suốt ngày, đừng ở trong phòng tối. Bên Mỹ chúng tôi mùa đông bệnh trầm cảm lại nhiều hơn, vì ở trong nhà nhiều. Thành thử nếu chúng ta ở trong phòng cách ly, bằng cách nào đó mở cửa sổ có ánh sáng và đi lại (vận động) thường xuyên ở trong phòng mình.
Thạc sĩ Trương Nguyễn Xuân Quỳnh thuyết trình trong hội thảo của AVSE |
Thấu hiểu được vai trò của sức khỏe tinh thần trong cuộc chiến chống dịch, Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global kết hợp cùng những chuyên gia y tế đã tiếp tục tổ chức Webminar#3: Hiểu về tâm lý để an tâm giữa mùa dịch, trong đó đề cập đến những điều người cao tuổi và nhóm người dễ bị tổn thương cần biết để an tâm giữa mùa dịch; tâm lý cho tuyến đầu chống dịch; mối quan hệ gia đình - xã hội - doanh nghiệp giữa mùa dịch.
Tại hội thảo này, nói về tâm lý cho tuyến đầu chống dịch. Thạc sĩ Trương Nguyễn Xuân Quỳnh, nghiên cứu sinh tại Đại học Boston, Hoa Kỳ, nhà thực hành công tác xã hội lâm sàng trong lĩnh vực y tế khẳng định: Đại dịch covid 19 là một sang chấn tập thể. Và trong tập thể đó, việc nhận diện căng thẳng và lo âu để ứng phó là vô cùng quan trọng để bảo vệ nhân viên y tế: “Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các căng thẳng diễn ra do sang chấn tâm lý trong đại dịch có thể dẫn tới rối loạn căng thẳng hậu sang chấn. Và nếu nhân viên y tế không chăm sóc sức khỏe tinh thần hoặc được hỗ trợ đúng mức thì rối loạn có thể làm ảnh hưởng sức khỏe tinh thần của họ về sau.”
Tiến sĩ Văn Võ Joseph thuyết trình tại hội thảo |
Về mối quan hệ gia đình - xã hội - doanh nghiệp giữa mùa dịch, tiến sĩ Văn Võ Joseph – Tiến sĩ Tâm lý Công nghệ và Thương mại, Viện Đại học Paris 1 Panthéon- Sorbonne, Pháp, Viện Đại học Sacramento, Mỹ chia sẻ: Đại dịch covid 19 đã làm thay đổi sâu sắc môi trường làm việc và xã hội theo một số cách. Các chính sách giãn cách xã hội, phong tỏa bắt buộc, thời gian cách ly và nỗi lo nhiễm bệnh, cùng với việc ngừng hoạt động sản xuất, mất thu nhập và lo sợ về tương lai cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân và người lao động. Song những nỗ lực can thiệp từ các tổ chức và công việc có thể làm giảm thiểu tình trạng này, chẳng hạn như cải thiện cơ sở hạ tầng tại nơi làm việc, áp dụng hiệu quả các biện pháp chống lây nhiễm và thực hiện các chương trình đào tạo về khả năng phục hồi.
Tiến sĩ Văn Võ Joseph tin tưởng rằng: “Dịch covid 19 là đại dịch từ hồi nào tới giờ đất nước mình chưa trải qua nhưng cũng là một cuộc chiến. Ông bà cha mẹ mình trong lịch sử người Việt cũng đã đương đầu với rất nhiều cuộc chiến. Ba thời kỳ mà tôi muốn chia sẻ để hy vọng nói được nhiều điều về vấn đề tâm lý: Thời gian từ năm 1975 hai miền Nam Bắc thống nhất đến khoảng 1990 là giai đoạn bao cấp, nước nhà rất khổ, mọi người rất khổ, xe không có mà đi. Giai đoạn đổi mới từ năm 90 đến khoảng năm 2000, nước nhà đã có những sự thay đổi để đi đến đất nước Việt Nam tương đối hùng cường. Thành ra tôi nghĩ giai đoạn bình thường mới của việc sống chung với dịch covid này cũng là vấn đề đất nước mình sẽ phải đương đầu. Thế hệ đàn anh của mình đã đương đầu, đã chiến thắng, tôi nghĩ thế hệ ngày hôm nay cũng sẽ đầy đủ khả năng và tâm huyết để đương đầu. Và rồi mình sẽ trở lại với cuộc sống bình thường mới.”
Việc chăm sóc tâm lý trong đại dịch cho nhân viên y tế và bênh nhân cần thiết như thế nào? Câu hỏi đó được các chuyên gia y tế trả lời cụ thể trong hội thảo Hiểu về tâm lý để an tâm giữa mùa dịch do AVSSE Global tổ chức: