Mong muốn thành lập Trung tâm Đông y Việt Nam tại Cộng hòa Séc
Hữu Bình, Văn Huy/VOV-Praha -  
(VOV5) - Hành nghề được hơn 15 năm tại Cộng hòa Séc, khám, chữa khỏi bệnh cho nhiều đối tượng khác nhau, cả người Việt Nam và người nước ngoài, lương y Thanh Nguyễn mong muốn thành lập một trung tâm Đông y Việt Nam tại Séc nơi các lương y chia sẻ kinh nghiệm, truyền nghề cho lớp trẻ phục vụ, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
|
Lương y Thanh Nguyễn khám bệnh cho một bệnh nhân |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Được đào tạo và trưởng thành từ nghề y học cổ truyền tại Việt Nam cách đây hơn 20 năm, lương y Thanh Nguyễn có cơ hội sang Séc sinh sống và định cư. Cũng giống như phần lớn người Việt lúc bấy giờ, vì cuộc sống mưu sinh nơi xứ người, ông chuyển nghề, thử sức sang lĩnh vực kinh doanh, nhưng những vất vả của nghề mới đã không đem lại may mắn cho ông. Nỗi nhớ và tình yêu với nghề mà ông từng gắn bó ở Việt Nam thôi thúc ông quay trở lại với nó.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà ông quay trở lại với nghề cũ. Lương y Thanh Nguyễn kể thời điểm cách đây vài ba thập kỷ, cộng đồng bà con người Việt tại Séc làm ăn rất vất vả. Họ phải thức khuya, dậy sớm, dầm sương, dãi nắng, thậm chí chơi vơi trong cái giá lạnh của mùa đông tuyết trắng trời Âu để kiếm sống. Sự khác biệt về điều kiện thời tiết giữa hai vùng đất có khí hậu khác nhau đã phần nào ảnh hưởng tới sức khỏe họ. Những căn bệnh như xương khớp hay phong hàn lúc đó chưa phát tác mà nó âm thầm tiến triển về sau này. Đó là lúc ông nghĩ nghề y học cổ truyền của mình sẽ được phát huy, và ông sẽ có dịp được mang những kiến thức đã được học và thực hành ở Việt Nam để giúp đỡ cộng đồng. Ông tâm sự: “Thực ra đông y của Việt Nam có từ hàng nghìn năm rồi, hiệu quả chữa bệnh rất là rộng lớn. Có thể người Tiệp họ chưa hiểu lắm về đông y của Việt Nam thôi, chứ chữa thì rất hay. Nhiều khi họ kính nể vì tính hiệu quả của nó. Có nhiều bệnh họ không xử lý được thì bắt buộc phải tìm đến đông y để chữa. Tất nhiên mình không thể chê Tây y vì họ rất giỏi, nhưng có cái đông y xử lý được mà Tây y thì không”.
|
Ngoài bệnh nhân người Việt, bệnh nhân người Séc cũng tìm đến phòng khám của lương y Thanh Nguyễn để chữa bệnh |
Lương y Thanh Nguyễn vừa chữa bệnh, vừa dành nhiều thời gian tìm sách đọc để tích lũy thêm kinh nghiệm. Những nỗ lực không mệt mỏi đó cuối cùng cũng được đền đáp. Phòng khám của ông ngày càng thu hút nhiều bệnh nhân, trong đó có cả người nước ngoài. Họ chủ yếu mắc các bệnh về xương khớp như thoát vị đĩa đệm, đau khớp gối hay bả vai, hoặc bị những bệnh liên quan tới tai biến như méo mồm, hay liệt nửa người….. Họ tìm đến ông với hy vọng sự kỳ diệu của y học cổ truyền Việt Nam hàng thế kỷ qua có thể sẽ giúp họ chữa khỏi bệnh mà Tây y chịu bó tay.
Chị Đỗ Minh Hương, gần 30 năm sinh sống tại Cộng hòa Séc, chia sẻ chị đã tìm thấy phương pháp chữa bệnh xương khớp phù hợp cho mình sau một thời gian dài chữa thuốc Tây không có hiệu quả. Chị cho biết: “Người trung tuổi thì thường hay bị các bệnh về cổ vai gáy. Tôi cũng được giới thiệu đi bác sĩ Tây. Dùng thuốc Tây thì kháng thuốc, có thời gian tôi dùng nhiều thuốc Tây và khi dùng nhiều thì nó bão hòa, không có tác dụng lắm và bác sĩ khuyên dừng lại và áp dụng vật lí trị liệu này... Người Việt với nhau thông cảm, dễ trình bày, mình có thể yêu cầu người ta làm cho liên tục sẽ nhanh khỏi hơn, và tôi thấy đỡ nhiều“.
|
Chị Đỗ Minh Hương thấy bệnh đau xương khớp của mình phù hợp với phương pháp châm cứu, bấm huyệt |
Còn anh Đỗ Văn Quốc sang Séc từ năm 1982 kể những năm đầu còn trẻ, anh làm bất cứ việc gì, kể cả nặng nhọc, để chu toàn cuộc sống, không màng tới sức khỏe. Quá trình kinh doanh lâu dài cộng với tuổi tác làm phát sinh nhiều bệnh về khớp gối, ảnh hưởng tới việc đi lại hàng ngày. Anh chia sẻ: “Bệnh chủ yếu của tôi là đau đầu gối. Tôi đã điều trị Tây y, chụp chiếu đủ kiểu, họ cho kem bôi... nhưng bệnh không tiến triển nhiều. Tôi tìm đến Đông y, thì quá trình điều trị rất tốt, hiệu quả. Tôi được bác sĩ cho bấm huyệt, châm cứu và hiện nay chân tôi rất là tốt, đi lại bình thường“.
Hơn 15 năm hành nghề tại Cộng hòa Séc, lương y Thanh Nguyễn đã khám, chữa cho rất nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau, già có, trẻ có, có người vượt hàng trăm cây số để tìm đến với ông. Có những ngày phòng khám của ông đón tiếp tới 80 bệnh nhân, nhưng ông vẫn ân cần khám chữa, tư vấn và đặt lịch hẹn họ đến khám lại. Ông vẫn tiếp chuyện với bệnh nhân qua điện thoại vào buổi tối khi hầu hết các gia đình quây quần bên mâm cơm gia đình, xả hơi sau một ngày lao động vất vả. Ông quan niệm mang trên vai trách nhiệm cứu người: “Đã làm nghề đông y thì phải tẩn mẩn, kiên trì, nền nã với bệnh nhân thì mới làm được nghề, còn những người làm vội vàng hay vì tiền thì không thể làm được. Tôi dám chắc chắn là như thế, bởi vì làm đông y phải rất kiên trì do phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, giữa họ phải có sự hài hòa, giao cảm với nhau mới chữa được bệnh. Đặc biệt mình phải tạo niềm tin cho bệnh nhân thì mới chữa được, chứ bệnh nhân không có niềm tin với mình thì không thể chữa được”.
Lương y Thanh Nguyễn mong muốn thành lập một trung tâm Đông y tại Cộng hòa Séc nơi các lương y người Việt có thể chia sẻ kinh nghiệm khám chữa bệnh và truyền nghề cho giới trẻ, giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng. Một trung tâm như vậy cũng tạo điều kiện ăn ở cho các bệnh nhân ở xa có thể chữa bệnh nội trú, giảm chi phí đi lại.
Lương y Thanh Nguyễn rất vui vì vẫn có thể đóng góp công sức vào việc nâng cao sức khỏe cộng đồng, và điều quan trọng hơn là phương pháp y học cổ truyền Việt Nam được nhiều bệnh nhân tại đây tin tưởng lựa chọn.
Hữu Bình, Văn Huy/VOV-Praha