Những người gieo mầm tiếng Việt ở Ucraina
Đỗ Thị Hoa Lý/ CTV - Ucraina -  
(VOV5)- Những năm gần đây, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Ucraina đã nâng lên tầm cao mới trên mọi lĩnh vực, trong đó hợp tác giáo dục và đào tạo chiếm một vị trí quan trọng. Đưa tiếng Việt vào giảng dạy và quảng bá văn hóa Việt Nam là nhu cầu thiết thực thúc đẩy mối quan hệ phát triển. Trường Đại học Tổng hợp mang tên nhà văn Taras Shevchenko – Đại học Quốc gia Kiev – Ucraina đã đi tiên phong trong việc đưa tiếng Việt trở thành một bộ môn chính thức trong chương trình đào tạo.
|
Trường Đại học Tổng hợp mang tên nhà văn Taras Shevchenko |
Được thành lập năm 1834 – Đại học Tổng hợp Shevchenko là một trong những trường Đại học danh giá nhất của Ucraina nơi đào tạo rất nhiều nhà chính khách Ucraina và các nhà ngoại giao Việt Nam; nơi đào tạo các chuyên gia trên mọi lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn, Kinh tế, Luật…Bộ môn tiếng Việt được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2012 trong khoa Ngôn ngữ phương Đông của trường do cô giáo Hà Thị Vân Anh trực tiếp giảng dạy.
|
Các cô giáo và sinh viên trước cổng Phân viện Ngôn ngữ |
Khóa đầu tiên gồm có 8 sinh viên 7 nữ, 1 nam đều là các sinh viên Ucraina. Thời kỳ đầu khoa Ngôn ngữ phương Đông chỉ có tiếng Trung, Nhật và Hàn nay có thêm tiếng Việt và Indonesia. Sau một năm đưa bộ môn tiếng Việt vào giảng dạy, trường Đại học Tổng hợp Shevchenko Kiev và Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký kết hợp tác giáo dục theo tinh thần Biên bản ghi nhớ giữa hai Nhà nước. Hiện nay, tổ bộ môn tiếng Việt đã có 4 khóa: Năm thứ Nhất, thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư.
|
Cô giáo Vân Anh và các sinh viên Ucraina trong tà áo dài |
Sự giao lưu giữa hai nền giáo dục Việt – Ucraina thể hiện qua việc trao đổi tri thức, văn hóa để duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác ngày càng bền vững. Đó là sự giao lưu nhân các ngày Lễ lớn của Việt Nam: đón Tết nguyên đán, Lễ Quốc khánh… Các em sinh viên Ucraina được tiếp xúc, tìm hiểu thêm về phong tục tập quán truyền thống văn hóa của người Việt Nam mến khách yêu chuộng hòa bình, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc hội thảo. Các em được hóa thân trong trang phục Việt, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực tinh tế của người Việt Nam một cách hứng thú, tham gia các hoạt động xã hội thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa sinh viên hai nước…
|
Cô giáo Vân Anh và các em sinh viên trong Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Giáo trình giảng dạy tiếng Việt là những sách giáo khoa đang được sử dụng ở các trường Đại học trong nước. Tuy nhiên để phù hợp với thực tiễn, cô giáo Hà Thị Vân Anh còn tìm hiểu thêm sách và giáo trình giảng dạy tiếng Nga theo chủ đề áp dụng vào bài giảng thêm phong phú, đa dạng. Việc học và dạy gặp rất nhiều khó khăn: Các em sinh viên Ucraina miền Đông nói tiếng Nga, miền Tây nói tiếng Ucraina, các giáo viên sử dụng tiếng Nga là ngôn ngữ thứ 3 để giảng giải nên các em sinh viên miền Tây thường gặp vướng mắc trong vấn đề dịch thuật. Chưa có bộ từ điển Ucraina – Việt, sách giáo khoa, giáo trình, tư liệu báo chí quá ít ỏi nên thông tin không được cập nhật thường xuyên.
Là ngôn ngữ mới mẻ đưa vào dạy trong trường Đại học của Ucraina, tiếng Việt mới chỉ là nguyện vọng 2 để các sinh viên lựa chọn khi nộp hồ sơ vào trường nếu không đạt nguyện vọng 1 như tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Nhật. Thời gian đầu do chưa có sự đam mê nên các em học không hứng thú làm giảm đi phần nào chất lượng học tập. Điều quan trọng nhất – ngữ pháp tiếng Việt là một thách thức lớn đối với các sinh viên. Chúng ta cũng chưa có sách viết về ngữ pháp tiếng Việt dành cho người nước ngoài nên đây là một trở ngại lớn đối với giáo viên giảng dạy. Nhưng vượt lên tất cả, đến nay bộ môn tiếng Việt đã được khắc phục dần, đã “xuôi chèo, mát mái” nhờ công lao của những người quyết tâm “gieo mầm tiếng Việt” trên đất bạn.
Hầu hết các em sinh viên đã yêu thích và chăm chỉ học bộ môn tiếng Việt. Em nào cũng muốn sang tham quan, thực tập và có nguyện vọng làm việc ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Có thể nói rằng đây là một thành quả không nhỏ mà các thầy cô đã đạt được khi giúp những sinh viên chưa hề có khái niệm về tiếng Việt đến say mê không chỉ tiếng Việt mà cả đất nước và con người Việt Nam.
Một câu chuyện thú vị, khi sang Việt Nam các em nhớ nhất tiếng rao bánh bao trên đường phố Hà Nội. Các em nhận được sự quan tâm chu đáo của trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, thường xuyên trao đổi với cô giáo Vân Anh qua thư từ và với bạn bè người Việt đã từng học ở đây và trở về Việt Nam làm việc.
|
Cô giáo Vân Anh và các em sinh viên |
Cô Hà Thị Vân Anh tâm sự “Để hội nhập với thế giới thì việc quảng bá văn hóa hình ảnh bằng các phương tiện thông tin đại chúng để mang giá trị Việt ra khắp năm châu vẫn chưa đủ mà chúng ta cần phải đưa tiếng Việt ra khắp thế giới. Chỉ có thông qua con đường ngôn ngữ cụ thể là truyền bá ngôn ngữ thì mới đưa được thế giới đến gần chúng ta hơn và ngược lại. Để khắc phục những khó khăn trong giảng dạy tiếng Việt cho các em sinh viên nước ngoài cụ thể là sinh viên Ucraina thì trước tiên phải tìm những tài liệu, sách tham khảo tiếng Nga hoặc tiếng Ucraina dịch ra tiếng Việt để các em dễ hiểu. Bản thân tôi đã tự soạn những bài giảng theo chủ đề thông dụng trong cuộc sống hàng ngày để các em dễ tiếp thu và dễ thực hành. Tôi đang ấp ủ một nguyện vọng đó là tự biên soạn giáo trình cho phù hợp với tiếng mẹ đẻ của các em và viết sách về ngữ pháp tiếng Việt căn bản dành cho những người bắt đầu học tiếng Việt dựa trên những sách của các nhà Việt Nam học đã viết bằng những quy tắc sao cho dễ hiểu nhất.”
Cô Vân Anh cũng cho biết thêm: Hiện nay tổ bộ môn tiếng Việt gồm có 5 giáo viên – hai giáo viên người Ucraina và ba giáo viên Việt Nam. Tất cả đều là những giáo viên có trình độ, học vị và rất yêu nghề. Họ là những người tận tâm và luôn vun đắp cho tổ bộ môn tiếng Việt ngày một thêm vững mạnh. Đặc biệt là Victoria Musiychuk – tiến sĩ Việt Nam học, một cô giáo người Ucraina với nhiệt huyết mang tiếng Việt đến với người dân Ucraina. Có thể gọi cô Victoria là “người đi gieo mầm tiếng Việt” trên đất nước mình. Cô sẽ luôn đồng hành cùng với các giáo viên của tổ bộ môn tiếng Việt, làm cho tiếng Việt mãi mãi tỏa sáng ở phương trời Âu. Riêng cô Vân Anh cũng tâm nguyện “sẽ cố gắng hết sức mình để xây dựng một đội ngũ giáo viên giỏi, có tâm có nghề - vì tiếng Việt thân yêu.”
Một tin vui lớn đó là Trung tâm Việt Nam học – Kiev – Ucraine đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2015 với mục đích thu hút sự quan tâm đến việc học ngoại ngữ tiếng Việt của các em học sinh tốt nghiệp phổ thông, chuẩn bị bước vào đại học, có mong muốn nghiên cứu ngôn ngữ phương Đông, đặc biệt là tiếng Việt. Đây là một bước đột phá, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo phát triển bền vững và hiệu quả.
Đỗ Thị Hoa Lý/ CTV - Ucraina