Việt kiều Bungari mở rộng vòng tay với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo

(VOV5) - Ca bệnh nhi mổ tim đầu tiên mà Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bungari tài trợ là cháu bé Nguyễn Thị Ngọc Khánh, 9 tháng tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội.


Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bungari có số hội viên không đông. Công việc kinh doanh chủ yếu của các thành viên trong Hội là kinh doanh các mặt hàng may mặc và thực phẩm,.. trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và sản xuất thực phẩm. Bên cạnh việc giúp nhau phát triển xây dựng cộng đồng vững mạnh, các doanh nhân kiều bào ở đây còn thực hiện các hoạt động từ thiện trong đó có việc hỗ trợ giúp đỡ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh ở quê nhà.

Việt kiều Bungari mở rộng vòng tay với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo - ảnh 1
Cháu bé Nguyễn Thị Ngọc Khánh đã tươi tỉnh sau khi phẫu thuật giai đoạn 1.




Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Ca bệnh nhi mổ tim đầu tiên mà Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bungari tài trợ là cháu bé Nguyễn Thị Ngọc Khánh, 9 tháng tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội. Mẹ cháu Khánh, chị Nguyễn Thị Thủy, 27 tuổi, đã rớt nước mắt khi nhận được tin này. Chị cho biết gia đình phát hiện cháu bị bệnh tim lúc cháu 3 tháng tuổi. Triệu chứng ban đầu là tím móng chân, móng tay. Khi cháu khóc, người tím tái, khó thở. Đưa cháu đi khám, bác sĩ liệt kê ra một loạt các bệnh có ảnh hưởng đến tim và khổ tâm hơn nữa, tim của người bình thường có hai thất, còn cháu chỉ có một thất phải. Dưới sự tài trợ của Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bungari, cháu Khánh được các bác sĩ bệnh viện Tim Hà Nội mổ bắc cầu để dòng máu chảy tuần tự từ thất phải xuống dưới nhĩ, sang thất trái rồi đi nuôi cơ thể. Mẹ cháu Khánh cho biết sau khi mổ, tình trạng sức khỏe của cháu đã tốt lên: “Hôm mới mổ xong, mặt phù, sưng mắt, các bác sĩ bảo do ứ nước, oxy chưa đều. Hiện giờ, người cháu đã đỡ tím hơn, nhịp thở tốt, ăn tốt hơn trước khi mổ”.


Việt kiều Bungari mở rộng vòng tay với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo - ảnh 2
Trước đó, vào tháng 2 năm 2016, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bungari đã trao tiền ủng hộ cho gia đình cháu Nguyễn Ngọc Khánh. Ảnh: Cảnh Tiêu.


Ông Trần Hữu Quê, một trong hai thành viên chủ chốt của Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bungari, đã về nước và tận tay trao số tiền tài trợ mổ tim cho cháu bé là 55 triệu đồng đồng thời đã đến thăm và động viên gia đình ngay khi cháu Khánh vừa mổ xong: “Năm nay, chúng tôi quyết định tài trợ ca mổ tim cho cháu Khánh. Vào thăm cháu, tôi thấy rất mừng cháu đã vui chơi và tốt hơn trước rất nhiều. Hi vọng sức khỏe của cháu sẽ tốt hơn”.

Theo Hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trẻ chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh. Và bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em là loại dị tật gây ra nhiều hậu quả nặng nề nhất. Qua lời kể của chị Nguyễn Thị Thủy, cháu Nguyễn Thị Ngọc Khánh bị bệnh tim ngay từ khi mới sinh ra với một loạt bệnh từ đảo gốc động mạch thông liên thất, hẹp van động mạch phổi, teo van ba lá. Chính vì lẽ đó mà cháu không phải mổ một lần là xong. Phải cần đến ca mổ thứ hai chi phí dự tính sẽ vào khoảng 140-150 triệu đồng. Nói về hoàn cảnh gia đình, nhà có ba mụn con, chị Thủy phải ở nhà trông nom, lúc rảnh rang thì lấy hàng mây tre đan về đan kiếm thêm. Còn anh chồng, lao động chính trong nhà, thì đi làm cơ khí thuê. Tiền nuôi vợ con và phụng dưỡng ông, bà nội đã ở tuổi gần đất xa trời cũng chỉ đủ chi tiêu ăn uống qua ngày, chứ nói gì đến tiền thanh toán viện phí. “Quỹ Tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam và doanh nghiệp Việt kiều Bungari tài trợ cho con tôi trong lần đầu tiên mổ, gia đình tôi không biết nói gì hơn chỉ biết cảm ơn đã giúp đỡ con tôi được mổ thành công. Tôi rất mong muốn mọi người giúp đỡ để con tôi được mổ lần hai”- anh Nguyễn Ngọc Quân chia sẻ. Niềm mong ước con mình được vui đùa như bao đứa trẻ khác của người bố trẻ Nguyễn Ngọc Quân vẫn chưa thành hiện thực bởi những khoản phí cao ngất của những đợt mổ sau.


Việt kiều Bungari mở rộng vòng tay với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo - ảnh 3
Ông Trần Hữu Quê, Ủy viên Ban Chấp hành Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bungari tới bệnh viện thăm hỏi, động viên gia đình.


Ông Trần Hữu  Quê cũng bày tỏ sự cảm thông với những khó khăn của gia đình cháu bé mổ tim: “Cháu Khánh là một trường hợp rất thương tâm. Cháu phải mổ lần thứ hai nữa với số tiền lớn. Sau khi về lại Bungari, chúng tôi sẽ cố gắng vận động các doanh nghiệp Việt Nam tại Bun để có một hướng tiếp theo cho các cháu ổn định bệnh tình, cho gia đình cháu Khánh an tâm”.

Trước khi chia tay, tay bồng con, chị Thủy không quên cảm ơn tình cảm của những người con sống xa Tổ quốc: “Tôi thấy người Việt ở nước ngoài rất tương thân tương ái, nhớ về cội nguồn của mình, yêu thương quê hương, đất nước, con người. Tôi rất cảm ơn những người Việt ở Bungari đã có tình cảm thiêng liêng đối với quê hương và nhất là đối với con của tôi”.

Không chỉ hoạt động có hiệu quả tại nước sở tại, những doanh nhân Việt ở Bungari đang tiếp tục có các hoạt động hướng về đất nước, chia sẻ với đồng bào gặp khó khăn ở quê nhà. Như một lẽ tự nhiên, khi ra nước ngoài, tình tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống càng được bà con người Việt phát huy và nhân rộng nhằm giữ vững những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác