(VOV5) - Dân tộc Khmer có một di sản văn hóa độc đáo là các điệu múa, vốn được hình thành và phát triển trong tiến trình phát triển của dân tộc này. Nghệ thuật múa của người Khmer hội tụ cả tài năng, tri thức sáng tạo, những bản sắc, những giá trị văn hóa, xã hội và giá trị thẩm mĩ của cộng đồng.
Nghe nội dung bài viết tại đây:
Đối với người Khmer, nghệ thuật múa là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo vừa mang tính thiêng liêng, vừa là nhu cầu tinh thần sau những giờ lao động mệt nhọc.Nghệ thuật múa ra đời từ rất sớm và có nhiều hình thái. Hiện nay, người Khmer duy trì ba hình thái chính là múa dân gian, múa tín ngưỡng và múa sân khấu.
Vào những dịp lễ, Tết truyền thống của dân tộc, khi tiếng trống hoặc nhạc ngũ âm vang lên, từng đôi trai gái, già trẻ cùng uyển chuyển hòa mình vào những điệu múa dân gian tập thể rất mềm mại và duyên dáng. Điệu múa dân gian được nhiều người biết đến là Răm Vông hay còn gọi là múa Lâm Thôn. Tham gia điệu múa này, từng đôi trai gái vừa múa vừa đi vòng tròn, vừa quay lại nhìn nhau thật tình tứ, thể hiện sự quấn quýt. Các động tác của nữ khi múa lượn 2 cánh tay đưa ra trước ngực, còn nam thì lượn cánh tay rộng ra như để che chở cho người bạn múa của mình; kết hợp với chân, chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại.Còn có thể kể đến điệu múa Lăm Leo, hoặc múa Saravan....Giáo sư, Tiến sỹ Lê Ngọc Canh, Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ múa Việt Nam, cho biết: “Đặc điểm của múa dân gian Khmer là rất vui nhộn, rất hóm hỉnh, tinh nghịch. Múa dân gian thì phổ cập làng nào cũng có. Già trẻ trai gái khi trống phách lên là họ múa rất hồn nhiên và tâm hồn họ rất thoải mái".
Ngoài các điệu múa tiêu biểu kể trên, trong nghệ thuật múa dân gian của người Khmer còn có các điệu múa khác như: Múa xúc tép sử dụng dụng cụ là chiếc xà niêng (Chniêng), múa gáo dừa (Khôs Trolôt), múa gặt lúa (Casêko), múa trống Sadăm, múa Yak (múa Chằn), múa mở rào trong nghi lễ cưới...
Loại hình thái múa thứ hai cũng rất được ưa chuộng đối với người Khmer là múa tín ngưỡng thờ cúng. Hình thái này được sử dụng trong các dịp như cúng thần bảo vệ ruộng đồng, thần bảo vệ xóm làng, trong dịp lễ tết, lễ chùa, phật đản. Tuy nhiên, hình thái này không còn được lưu truyền rộng rãi, thậm chí có nơi đã biến mất hoàn toàn.
Loại hình múa thứ ba của người Khmer là múa sâu khấu. Giáo sư, Tiến sỹ Lê Ngọc Canh cho biết: "Múa trong sân khấu thì người Khmer có 3 loại: Rô băm, Dù kê, Dì kê. Rô băm gần gũi tương đương như múa tuồng của người Việt; múa Dù kê tương đương như múa trong cải lương, sân khấu cải lương; múa Dì kê tương đương với chèo của người Việt. Ba loại sân khấu đều có múa cả nhưng nổi trội đặc biệt là múa trong sân khấu Rô băm. Người ta gọi kịch hát Rô băm hay kịch múa Rô băm vì trong cái này vai trò múa quán xuyến múa theo cốt truyện múa theo kịch của truyện sân khấu cổ truyền. Sân khấu Rô băm rất quy cách có bài bản, chặt chẽ. Nó có thế múa chân, thế múa tay rất rõ ràng, nằm trong quy ước nó gọi là múa cổ điển và múa này rất đặc trưng của người Khmer”.
Trong múa Rô băm, trang phục rất quan trọng và được đầu tư kĩ lưỡng, cầu kì. Đặc biệt, múa Rô băm thường được dựa trên các cốt truyện, sự tích của người dân Khmer nên nó trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt.
Trong nghệ thuật múa của người Khmer thì âm nhạc chính là một yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của tác phẩm. Âm nhạc với múa có sự đồng bộ và xuất phát từ chính tâm hồn của người dân Khmer nên rất bay bổng, tự do.
Với người Khmer, nghệ thuật múa có ảnh hưởng rất lớn và có mỗi quan hệ mật thiết với kiến trúc, hội họa và đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ. Ông Lê Ngọc Canh chia sẻ thêm: "Múa thường được biểu diễn ở chùa. Giả thiết chùa có trước hay nghệ thuật múa có trước thì rất khó nhưng biết rằng hiện nay kiến trúc chùa của người Khmer Nam Bộ có rất nhiều hình tượng người nhảy múa, người nhảy múa cách điệu, chim thần, các cột nhà, các xà nhà, các kèo nhà đều có hình chim thần. Nói đến chùa Khmer không thể không có hình tượng người nhảy múa”.
Hiện nay, múa Khmer phát triển mạnh mẽ cả về thể loại và chất lượng. Nghệ thuật múa không chỉ gắn với đời sống sinh hoạt của người Khmer mà còn là một nét đẹp văn hóa tinh thần độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.