Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum thoát nghèo từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế

(VOV5) - Chính quyền các địa phương ở Kon Tum cũng đã có nhiều chương trình hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, giúp đồng bào thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất.

Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội chậm phát triển, cơ sở hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng còn hạn chế. Chính vì vậy, tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều dự án, chương trình, mở ra hướng phát triển giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, trong đó có chương trình cho vay từ nguồn vốn phát triển kinh tế của các ngân hàng chính sách, xã hội.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 
 Ông A An Toàn, dân tộc Dẻ Triêng (thôn Đắk Wâk, xã Đắk Kroong, huyện Đắk Glei, Kon Tum) là người thoát nghèo từ hai bàn tay trắng. 15 năm trước, gia đình ông A An Toàn thuộc diện hộ nghèo. Tuy đất đai rộng, nhưng chỉ trồng mì và tỉa lúa trên rẫy, nên năm nào cũng không đủ ăn, phải nhận gạo cứu trợ của Nhà nước. Năm 2013, hai vợ chồng vay được 120 triệu đồng để đầu tư trồng cà phê và mua bò giống về nuôi. Từ đó, cuộc sống của gia đình dần dần ổn định, 5 đứa con đều được đi học, xây dựng được căn nhà mới khang trang. Hiện, gia đình ông A An Toàn đã trở thành người giàu có của thôn Đắk Wâk cùng trang trại hơn 3 ha trồng cà phê, 2 ao nuôi cá.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum thoát nghèo từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế - ảnh 1Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum khởi sắc nhờ bà con sử dụng hiệu quả vốn vay từ ngân hàng. Ảnh: VOV

Ngoài ra, ông còn nuôi heo nái sinh sản và heo thịt, mỗi năm xuất chồng khoảng 200 con heo con và 15 tấn lợn thịt. Đầu năm 2022, ông tiếp tục vay 800 triệu đồng để mua cân điện tử phục vụ cho việc thu mua nông sản và mở cửa hàng bán thức ăn gia súc.

Ông An Toàn chia sẻ:  "Nguồn vốn của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thông Việt Nam (Agribank) đã giúp kinh tế của gia đình tôi phát triển và có thêm thu nhập. Sau đó, tôi cũng muốn làm một tấm gương để bà con nhìn theo mô hình của gia đình tôi mà làm, để cùng nhau phát triển kinh tế. Khi gia đình có ý tưởng, đã quyết tâm vay tiền ngân hàng để hiện thực hóa ý tưởng đó. Với số vốn này, gia đình kinh doanh có lợi nhuận, hiệu quả, có thêm thu nhập cho gia đình đồng thời cũng giúp đỡ nhiều bà con trong làng. 

Ông A Lê Chúc, Phó giám đốc Agribank, Chi nhánh huyện Đắk Glei, cho biết: Hiện nay nông dân ở tất cả 12 xã trong huyện đã tiếp cận nguồn vốn và sử dụng đúng mục đích nên phát huy rất hiệu quả. 5 năm trở lại đây, dư nợ của khách hàng là người dân tộc thiểu số đã tăng gấp đôi. Nhờ nguồn vốn này mà nhiều gia đình thoát được đói nghèo.   

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum thoát nghèo từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế - ảnh 2Ông A Klok, dân tộc Xê Đăng ở làng Đắk Tang, xã Đắk Sú, huyện Ngọc Hồi, phấn khởi bên vườn cà phê được mùa của mình. Ảnh: VOV

"Thực hiện sứ mệnh của Agribank đó là chương trình tam nông: nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn của chúng tôi tăng trưởng và đầu tư cho bà con trên đia bàn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Hiện tại, chúng tôi đã tăng trưởng hơn 856 tỷ đồng (khoảng hơn 34 triệu USD), 90% nguồn vốn này chúng tôi đầu tư cho người nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Người dân đã chủ động và tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, tập trung vào trồng, chăm sóc cà phê, cao su, chăn nuôi bò. Người dân cũng đã ổn định về kinh tế."

Ông A Klok, dân tộc Xê Đăng ở làng Đắk Tang, xã Đắk Sú, huyện Ngọc Hồi, là một điển hình về sản xuất giỏi của huyện Ngọc Hồi. Cách đây 15 năm, với nguồn vốn vay 500 triệu đồng, ông đã đầu tư phát triển 3 ha cà phê. Làm ăn ngày một phát triển, ông vay thêm vốn để mở rộng vườn cà phê lên 8 ha. Năm ngoái, ông A Klok mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng một sân phơi cà phê trị giá 2 tỷ đồng. Nay thì kinh tế gia đình đã vững vàng, nhà cửa khang trang… và đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với thu nhập ổn định.

Ông chia sẻ vụ này, gia đình ông dự kiến thu được 120 tấn cà phê tươi. "Tất cả là nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung, nói riêng là đồng bào dân tộc Xê Đăng ở xã Đắk Sú đây. Trước đây, tôi nhờ nguồn vốn của ngân hàng nông nghiệp, vay được 500 triệu. Số tiền này tôi trồng cao su, làm đường, trồng cà phê. 3 năm sau tôi có thu hoạch. Từ đó gia đình đã ổn định".

Bà Hà Thị Thanh Hoà, Phó giám đốc Agribank Kon Tum, cho biết: Hiện tại trên 80% dư nợ có đối tượng vay vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm gần đây đạt trên 15% và luôn chiếm trên 40% thị phần dư nợ ngành ngân hàng toàn tỉnh. Khi đồng bào các dân tộc thiểu số biết tận dụng, phát huy nguồn vốn, họ sẽ thoát nghèo một cách bền vững:  "Trong những năm qua, Agribank chi nhánh Kon Tum chỉ đạo quyết liệt các chi nhánh các huyện triển khai hiệu quả các chính sách của Nhà nước về tam nông trên địa bàn. Đặc biệt, tại các huyện vùng sâu vùng xa, chúng tôi triển khai quyết liệt việc thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng hiện đại ở những khu vực nông thôn; triển khai các sản phẩm thẻ phù hợp với khu vực nông thôn để người dân dễ dàng tiếp cận được các phương tiện thanh toán hiện đại. Qua đó góp phần giảm thiểu tín dụng đen trên địa bàn."

Cùng với việc giúp bà con tiếp cận nguồn vốn, chính quyền các địa phương ở Kon Tum cũng đã có nhiều chương trình hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, giúp đồng bào thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất… để đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các địa phương cũng nhân rộng các mô hình giảm nghèo; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động để bà con sử dụng hiệu quả các nguồn vốn chính sách và các nguồn vốn khác của địa phương mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác