Hát Soong Cọ - Di sản văn hóa phi vât thể của người Sán Chỉ

(VOV5) - Soóng cọ không chỉ là một món ăn tinh thần của người Sán Chỉ, mà đã trở thành nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Cuối mùa xuân, khi việc đồng áng đã thư thả, là lúc đồng bào dân tộc Sán Chỉ nơi rẻo cao Bình Liêu (Quảng Ninh) vui trảy hội Slạm nhịt hụi (Lễ hội Tháng Ba hay còn là Lễ hội Soóng Cọ). Ngày hội đã có từ hàng trăm năm trước, giờ đây được bảo tồn và phát huy, để tiếng hát Soóng Cọ, Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tiếp tục lan tỏa những giá trị tinh thần độc đáo nơi biên cương vùng Đông Bắc. 

  Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Soóng cọ có nghĩa là “xướng ca”, “hát đối”, “hát giao duyên”, là món ăn tinh thần gắn liền từ bao đời với người Sán Chỉ (cùng nhánh Cao Lan thuộc dân tộc Sán Chay), một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số tại Quảng Ninh, tập trung nhiều ở các huyện miền núi Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ…
Bà Sẻn Thị Hà, người dân xã Húc Động, nơi có hơn 80% dân số là người Sán Chỉ ở Bình Liêu, kể về lời hát “nằm lòng” của dân tộc mình: "Sinh ra tôi đã nghe làn điệu Soóng Cọ. Đi sang bản này sang bản kia, đi đám cưới, lễ hội, khi họp hành thì cùng nhau hát, trai gái cùng đối đáp với nhau đến sáng. Đến sáng thì lại hát chia tay."
Hát Soong Cọ - Di sản văn hóa phi vât thể của người Sán Chỉ - ảnh 1Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: dangcongsan.vn

Trên sườn núi, dưới ruộng sâu, bên bờ suối, câu hát Soóng cọ của chàng trai, cô gái Sán Chỉ cứ ngân dài theo gió. Không hề có nhạc cụ đệm theo nhưng lời hát soóng cọ vẫn cứ da diết bởi chất giọng ngân dài, mềm mại của người hát. Khi thì hát đối đáp nam nữ, khi có thể nhiều tốp hát với nhau. Nội dung các bài hát rất phong phú, đa dạng, vừa phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, thiên nhiên, đất nước, vừa ca ngợi con người, tình yêu đôi lứa.

Người Sán Chỉ hát Soóng cọ quanh năm. Hội hát Soóng cọ ngày 16/3 (Âm lịch) hằng năm trở thành ngày hội riêng của người Sán Chỉ. Anh Trạc Văn Thìn, 1 trong những người hát Soóng cọ ăn ý bậc nhất mỗi mùa lễ hội, chia sẻ đã lưu giữ, ghi nhớ hàng trăm bài ca cổ, rồi sáng tác mới để truyền dạy cho con cháu:

"Tôi biết hát Soóng cọ từ khi còn thanh niên. Từ đó đến bây giờ thì hầu như năm nào cũng có chương trình, có lễ hội, lễ tết thì cũng đều tham gia. Biết hát và hiểu được nội dung của lời hát thì rất ý nghĩa và sâu sắc. Tôi sẽ cùng với các thành viên trong câu lạc bộ cố gắng học hỏi, lưu giữ và truyền dạy cho các em học sinh sau này, sẽ giữ gìn điệu hát của dân tộc Sán Chỉ."

Hát Soong Cọ - Di sản văn hóa phi vât thể của người Sán Chỉ - ảnh 2Hàng năm, Hội Soóng Cọ đã thu hút đông đảo du khách đến với Quảng Ninh. Ảnh:  dangcongsan.vn

Từ năm 2005 đến nay, huyện Bình Liêu đã phục dựng và duy trì tổ chức thường niên Hội Soóng cọ một cách bài bản, quy mô. Không chỉ có những điệu hát truyền thống, Hội còn là dịp để các dân tộc anh em cùng giao lưu, rộn ràng đua tài trong các trò chơi dân gian, đánh quay, bịt mắt bắt vịt, sáy mả… 

Hằng năm, Hội  soóng cọ đã thu hút đông đảo du khách đến với Quảng Ninh. Ngày hội cũng là dịp để người dân địa phương giới thiệu giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của dân tộc Sán Chỉ. Tham gia lễ hội, anh Ngô Huy Thái, du khách Bắc Ninh, cho biết: "Đây là lần thứ 2 tôi đến Hội Soóng cọ của huyện Bình Liêu. Lễ hội đã tái hiện cơ bản về những nét văn hoá, nếp sống, con người các dân tộc nơi đây, giúp tôi cảm nhận được tình cảm, sự hào phóng, hiếu khách của đồng bào."

Cuối năm ngoái, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ thuộc các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên và thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là cơ hội để các địa phương, trong đó có Bình Liêu tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Soóng cọ không chỉ là một món ăn tinh thần của người Sán Chỉ, mà đã trở thành nét văn hóa độc đáo của địa phương, góp phần tạo nên sắc màu riêng của rừng núi nơi biên cương Đông Bắc. Đây cũng là cơ sở để huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục bảo tồn, khai thác, giúp di sản có sức sống trường tồn trong nhịp sống đương đại.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác