Sản phẩm khởi nghiệp ở nông thôn Long An vượt khó vươn xa

(VOV5) - Ngoài sự nỗ lực khẳng định từng sản phẩm, những biện pháp hỗ trợ của địa phương đã và đang khuyến khích phong trào khởi nghiệp của thế hệ trẻ Long An.

Nhiều bạn trẻ tại tỉnh Long An đang khởi nghiệp bằng những sản phẩm xanh, đặc trưng của địa phương. Những sản phẩm này phần lớn là mới, độc đáo, là lợi thế khởi nghiệp cho thế hệ trẻ tại địa phương.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Xuất thân từ kỹ sư công nghệ thông tin nhưng lại đam mê với nghề chế tác tranh nhôm, anh Nguyễn Thanh Tùng ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đã chế tác ra nhiều sản phẩm độc đáo. Anh tận dụng vỏ lon bia, lon nước ngọt bằng nhôm rồi họa khắc để cho ra những khung chữ, hình 2D, 3D vào tạo ra những bức tranh nghệ thuật ấn tượng. Anh Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ thời gian đầu gặp không ít khó khăn, nhưng với niềm say mê nghệ thuật anh tiếp tục mày mò, nghiên cứu để tạo ra nhiều bức tranh sống động. Các sản phẩm của anh Tùng đa dạng mẫu mã, như: tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cảnh, truyền thần... không chỉ để tặng người thân, bạn bè mà được khách hàng trong nước và nước ngoài tìm mua. Đến nay, anh đã tạo ra nhiều bức tranh lớn nhỏ, bán với giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng (vài chục đến hàng trăm USD) tùy kích cỡ. Đồng thời, sản phẩm của anh được Cục bản quyền tác giả chứng nhận quy trình chế tác sản phẩm tranh nhôm tái chế.
Sản phẩm khởi nghiệp ở nông thôn Long An vượt khó vươn xa - ảnh 1Tranh nhôm từ lon bia tái chế của thanh niên khởi nghiệp tại huyện Bến Lức, Long An - Ảnh: Nguyễn Quang

Anh Nguyễn Thanh Tùng cho biết: "Sắp tới, để tìm thêm đầu ra, tôi sẽ tập trung quảng bá trên các kênh tiktok hoặc facebook… tập trung những sản phẩm mặt hàng quà tặng. Hiện tại đã thực hiện các thủ tục đăng ký sản phẩm của Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Tôi cũng mong sắp tới được các cơ quan của tỉnh giúp đỡ cho những sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp được tiếp cận thêm khách hàng, nhất là ở những đợt trưng bày hội nghị, hội chợ triển lãm".

Anh Nguyễn Hoài Lộc, Chủ cơ sở sản xuất nước trà giải khát Kombucha từ các loại trái cây bản địa ở ấp Thanh Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, Long An, lại khởi nghiệp với những sản phẩm nước uống đóng chai, đóng lon có xuất xứ từ trái cây, nông sản. Anh Lộc chia sẻ ấp ủ ước mơ tiêu thụ các loại trái cây của nông dân địa phương, anh đã quyết định mở cơ sở để sản xuất nước uống. Hiện, các loại nước giải khát do anh nghiên cứu, sản xuất được người dân trong vùng tin dùng và đang cố gắng để được nhiều người biết đến hơn. 

Sản phẩm khởi nghiệp ở nông thôn Long An vượt khó vươn xa - ảnh 2Anh Nguyễn Hoài Lộc, một thanh niên huyện Tân Trụ, Long An chia sẻ chuyện khởi nghiệp ở nông thôn - Ảnh: Nguyễn Quang

Theo anh Lộc: "Rất nhiều thanh niên đang có quyết tâm khởi nghiệp tại địa phương và để thành công thì rất cần sự hộ trợ của của chính quyền và các cơ quan chức năng. Dù mới ra thị trường nhưng được bà con tại chỗ ủng hộ là thấy tương đối ổn rồi, nhưng cũng cần phát triển lan rộng sản phẩm này ra thêm. Mục tiêu của mình là đi theo hướng OCOP rồi tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân lực địa phương để mình hun đúc tạo ra một sản phẩm tốt để giao thương với các tỉnh. Nếu thị trường được mở rộng cơ sở này sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, năm nay, tỉnh sẽ công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, tỉnh sẽ quan tâm, lưu ý đến việc hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng, độc đáo và tiêu biểu của thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn. Đến nay ngành nông nghiệp đã phối hợp ngành công thương tỉnh thực hiện quảng bá sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP về trang thiết bị, máy móc, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định.

Bà Lê Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho biết: "Để sản phẩm vươn xa, tỉnh Long An khuyến khích các cơ sở sử dụng sản phẩm của nhau, ủng hộ từng nỗ lực, động lực từ chính sân nhà của mình. Sở Công thương Long An thường xuyên kết nối với các kênh phân phối hỗ trợ thành lập các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; kết nối giao thương qua kênh nhóm zalo, khuyến khích quảng bá sản phẩm của nhau. Đặc biệt là sử dụng những sản phẩm đặc trưng này để làm quà tặng cho các doanh nghiệp và địa phương trong tỉnh".

Ngoài sự nỗ lực khẳng định từng sản phẩm, những biện pháp hỗ trợ của địa phương đã và đang khuyến khích phong trào khởi nghiệp của thế hệ trẻ Long An, giúp các bạn trẻ có thêm động lực để phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác