(VOV5) - Theo quan niệm của người Tày, con người từ khi sinh ra tới khi về với tổ tiên có 4 lần phải tập hợp đông đủ bà con, họ hàng trong các nghi lễ. Đó là lễ ma nhét, lễ cưới, lễ vào nhà mới và lễ tang. Trong đó, lễ ma nhét, tức là lễ đầy tháng, có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là lễ thức đầu tiên trong chu kỳ vòng đời của con người nên được chuẩn bị rất chu đáo, công phu.
|
Trẻ em dân tộc Tày |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Lễ đầy tháng trong tiếng Tày còn gọi là ma nhét, còn có ý nghĩa là xấu xí. Bởi trong ngày lễ quan trọng này, đứa trẻ sẽ được ông bà pụt, tức là thầy cúng, hoặc một người có uy tín trong gia đình đặt tên. Thông thường, người ta chọn những cái tên xấu để đặt cho đứa bé, với quan niệm rằng tên xấu thì dễ nuôi, không bị các thần ghen tị hay quở trách. Lễ ma nhét của người Tày nhằm tạ ơn các bà mụ, ông bà tổ tiên đã che chở giúp cho mẹ con đứa trẻ được mẹ tròn con vuông. Tổ chức lễ đầy tháng, nhất là cho những đứa con, đứa cháu đầu lòng rất cầu kỳ. Vì vậy gia đình phải chuẩn bị từ khi trong nhà có người sinh con. Từ việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, chọn mời thầy cúng làm lễ cho gia đình, nhờ anh em, làng xóm đến giúp gia đình làm cỗ đãi khách... Đặc biệt, trong lễ đầy tháng của người Tày không thể thiếu một loại bánh, gọi là bánh coóc mò, hay còn gọi là bánh sừng bò. Gia đình nào khá giả có thể làm 15 - 20 mâm cỗ trong lễ đầy tháng của con, cháu mình. Phải chuẩn lương thực, thực phẩm tương đương với một đám cưới. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Văn Viễn, ở thôn Na Rì, xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, cho biết: "Tùy từng hộ, nếu như hộ khá giả người ta còn mổ lợn, mổ gà, chuẩn bị bánh trái cẩn thận. Còn gia đình không khá giả thì một, hai con gà, không mời rộng. Gia đình khá giả người ta mời rộng rãi nội, ngoại hàng chục mâm".
|
Lễ đầy tháng không thể thiếu bánh “coóc mò” |
Lễ ma nhét của người Tày, tùy vào từng địa phương, tùy người thày được mời tới làm lễ mà nghi thức và thời gian tiến hành khác nhau nhưng thường gồm 2 phần: lễ khay tuổn, tức phần cúng bà mụ, và lễ khai bươn, tức các nghi thức để đứa trẻ được công nhận là thành viên mới. Sau khi gia chủ đã chuẩn bị đủ lễ cúng, thầy pụt bắt đầu làm lễ cúng. Bà Hoàng Thị Hiền, Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa, Thể thảo và Du lịch tỉnh Bắc Kạn, cho biết: "Nghi lễ cúng bà mụ của thầy pụt gồm nhiều chương mục khác nhau. Thời gian cúng lễ kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ và không gian diễn xướng trong nhà, ngay bên dưới bàn thờ tổ tiên của gia đình. Trong các chương đoạn, chương quan trọng nhất là vào cửa mụ, vun cây hoa và nộp lễ cửa mụ. Đây chính là mục đích chính của lễ khay tuổn và do thầy pụt đảm nhiệm".
Theo quan niệm của người Tày, "cửa mụ" là nơi trú ngụ của các bà mụ, người ban con cái cho các cặp vợ chồng ở trần gian. Khi vào đến cửa mụ, thầy pụt phải dâng lễ vật của gia đình, tiến cúng lên các bà mụ để tạ ơn các bà đã cho gia chủ con cái và xin bà mụ đặt tên cho đứa bé. Ngày trước, thầy pụt sẽ là người đặt tên cho đứa trẻ sau khi đã hỏi ý kiến của bà mụ, nhưng bây giờ gia đình, bố mẹ của đứa trẻ sẽ chọn sẵn một cái tên cho con mình và thầy pụt chỉ xin thẻ âm dương xem bà mụ có đồng ý với tên đó hay không. Sau khi làm lễ đặt tên cho đứa bé xong, thầy pụt làm lễ khai bươn. Bà Hoàng Thị Hiền giới thiệu: "Nghi lễ khai bươn là việc địu cháu bé đi bán dại, mua may. Trong nghi lễ này ngoài việc địu bé đi còn có các nghi thức nhỏ như là mắc võng để họ hàng bên nội, bên ngoại hát ru cháu".
Trong nghi lễ, họ hàng hai bên nội ngoại còn chuẩn bị quà để tặng cho đứa trẻ. Ông Hà Văn Viễn cho biết: "Bà nội, bà ngoại, anh em họ hàng thân thiết người ta thường mang đến 1 hay 2 ống gạo nếp, 1 con gà mái chân vàng, lông một màu, còn lông khác màu không được vì họ cho đó là không đẹp. Phải vàng cả lông và chân. Hôm ma nhét, bà ngoại tặng cái địu cho cháu và có một người cõng cháu ra ngoài cửa. Có thể là một người nào đó cõng đi lại trong nhà hoặc ra ngoài cửa một chút, trông thấy ánh mặt trời, đi lại cho chóng khỏe".
Người được chọn để địu đứa trẻ phải có các tiêu chuẩn hiếu thảo với bố mẹ, thành đạt, làm ăn khá giả. Trong khi trẻ được địu đi làm lễ khai bươn, ở nhà, mọi người tiến hành nghi thức mắc võng. Bà nội đỡ đứa trẻ nằm vào võng, sau đó mọi người bên nội, bên ngoại vừa hát vừa đu đưa võng cho cháu. Cháu bé khi đã được đặt tên và đặt lên chiếc võng có nghĩa là đã được công nhận là một thành viên mới của gia đình và dòng họ. Bà ngoại lấy chiếc địu thổ cẩm và địu cháu lên lưng, mang theo một túi bánh coóc mò ra ngoài để làm khai eng, tức là bán cái bé để mua cái lớn. Gặp ai bà cũng bán cho 1 hoặc 2 cái bánh coóc mò, người nào nhận bánh sẽ phải trả tiền. Lúc này, đứa bé đã được công nhận là một thành viên chính thức của cả bản. Nghi lễ khai bươn kết thúc, họ hàng quây quần bên mâm cơm để chúc mừng gia đình.
Lễ đầy tháng là một phong tục có từ lâu đời của dân tộc Tày. Đây không chỉ đơn thuần là làm lễ đầy tháng, đặt tên cho đứa trẻ mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị nhân văn cao đẹp, thể hiện phong tục tốt đẹp của cộng đồng dân cư Tày về sự đùm bọc cũng như cộng đồng trách nhiệm của hai bên gia đình, họ hàng trong việc chăm sóc mẹ và trẻ nhỏ. Lễ đầy tháng cũng là dịp để hai bên gia đình nội ngoại gặp gỡ, giúp tăng thêm tình thân thiết giữa 2 bên thông gia. Qua việc tổ chức lễ đầy tháng cho thấy sự ảnh hưởng của mẫu hệ vẫn còn khá sâu đậm trong văn hóa truyền thống của người Tày thông qua tục thờ mẫu và thờ bà mụ./.