(VOV5) - Từ bao đời nay, những giá trị văn hóa được đồng bào dân tộc Thái kết tinh, gìn giữ và kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt.
Là cộng đồng lớn nhất của tỉnh Sơn La, chiếm 54% dân số toàn tỉnh, đồng bào dân tộc Thái đã tạo nên một vùng di sản đậm đà bản sắc, góp phần tô đẹp bức tranh sắc màu văn hóa Sơn La nói riêng, Tây Bắc nói chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển như hiện nay, ngành Văn hóa tỉnh Sơn La đang xây dựng nhiều phương án trong việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Về những những bản làng đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La, giờ đây nhiều ngôi nhà sàn truyền thống dần được thay thế bởi những ngôi nhà xây kiên cố, kiến trúc hiện đại. Hình ảnh những người phụ nữ Thái ngồi dệt vải, dạy con gái thêu thùa trước khi về nhà chồng, giờ đây cũng trở nên hiếm gặp.
Chị Lò Lưu Ly ở bản Địa, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã chia sẻ: Phong tục tập quán hiện nay không còn yêu cầu cao về vấn đề đó nữa, ví dụ như người con gái khi về nhà chồng, thay vì một thời gian rất lâu chuẩn bị cho việc thêu thùa, may vá thì hiện nay có thể mua sản phẩm có sẵn ở ngoài chợ: "Khi bước chân lên nhà sàn của người Thái thì trước đây nếu như trong gia đình nào có chăn đệm được làm thủ công. Nhà nào có nhiều tức là người con gái nhà đấy được đánh giá cao là chăm chỉ, là chịu khó. Tuy nhiên đến thời điểm của chúng em thì nó không còn được coi là một trong những yếu tố đánh giá về mức độ chăm chỉ hay chịu khó của người con gái nữa."
Hình ảnh những người phụ nữ Thái ngồi dệt vải, dạy con gái thêu thùa trước khi về nhà chồng, giờ đây cũng trở nên hiếm gặp. Ảnh: VOV |
Nếu như trước kia, đám cưới của đồng bào dân tộc Thái diễn ra trong không gian mang đậm bản sắc, với những điệu khắp ngọt ngào, đằm thắm cùng tiếng pí bay bổng, thì nay không khó để bắt gặp hình ảnh vẫn những bộ trang phục xửa cóm, váy đen, khăn piêu, nhưng trai gái Thái không còn tay trong tay múa những điệu xòe truyền thống, mà là các vũ điệu nóng bỏng trong tiếng nhạc hiện đại.
Ông Lò Bình Minh, Hội viên chi hội Văn nghệ dân gian, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La, cho biết: "Chúng tôi thấy đây là một nguy cơ bởi nó sẽ mất dần đi những bản sắc văn hóa dân tộc thái. Là một người dân tộc Thái thì chúng tôi thấy rất trăn trở."
Lý giải việc nhiều lĩnh vực vốn được xem như bản sắc đặc trưng của một tộc người đang ngày càng mai một hoặc bị biến đổi, Tiến sỹ Lường Hoài Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Trường Đại học Tây Bắc, cho biết: "Bản thân những người thanh niên Thái họ đã bắt đầu tách khỏi hoạt động kinh tế nông nghiệp, đi làm ăn ở các vùng khác, xuống những công ty để làm việc, có nghĩa là thời gian để họ làm những công việc liên quan đến văn hóa truyền thống như thêu thùa, dệt thổ cẩm… không còn được duy trì như trước đây nữa, và đấy cũng là một trong những yếu tố khiến cho việc bảo tồn văn hóa có nguy cơ bị mai một."
Tiết mục văn nghệ tại Lễ hội “Mùa hoa ban” năm 2019- baosonla.org.vn |
Trước thực trạng này, tỉnh Sơn La nói chung và thành phố Sơn la nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La và Viện Nghiên cứu Văn hóa tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của gần 80 nhà nghiên cứu, giảng viên, nghệ nhân trong cả nước. Nhiều giải pháp được đưa ra thảo luận, nhằm cụ thể hóa, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hoa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho biết:"Theo quan điểm mới hiện nay di sản văn hóa không chỉ tạo ra các giá trị mới về mặt tinh thần mà còn có những giá trị về mặt kinh tế, chẳng hạn như chúng ta có thể phát huy những giá trị về văn hóa để tạo ra những động lực thu hút du lịch để phát triển sinh kế cho người dân. Đó là những giá trị mà chúng ta cần phải hướng tới và những nỗ lực trong việc bảo tồn văn hóa nên đặt vào khuôn khổ như vậy."
Trong khi đó, hàng năm thành phố Sơn La tổ chức các lễ hội như: Lễ hội Mùa Hoa Ban, Hội diễn nghệ thuật quần chúng; phát động cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, mặc trang phục dân tộc đến công sở, trường học; khuyến khích thành lập các Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn các xã, phường và phổ biến các điệu xòe Thái cho nhân dân trên địa bàn. Thành phố đặt mục tiêu thành lập 11 Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái, 100% các bản có đội văn nghệ quần chúng để truyền bá, phổ biến các điệu xòe Thái cổ…
Từ bao đời nay, những giá trị văn hóa được đồng bào dân tộc Thái kết tinh, gìn giữ và kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Chính vì vậy, việc bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa giúp cộng đồng thêm trân trọng và chủ động gìn giữ những di sản truyền thống dân tộc của ông cha để lại.