Sử thi- vốn văn hoá độc đáo của người Ê Đê

(VOV5) - Sử thi Ê Đê là sản phẩm đích thực của nền văn minh nương rẫy. Đó là những câu chuyện kể dài, có vần, có điệu, thậm chí còn được diễn tả hoặc minh họa bằng động tác, hành động. Dân tộc Ê Đê nổi tiếng với sử thi Đam San, Xinh Nhã...



Trường ca Đam San của người Ê Đê ở các tỉnh Tây Nguyên, là  tác phẩm rất phổ biến trong cộng đồng. Trường ca kể về người anh hùng Đam San trong cuộc đấu tranh chống lại các luật tục. Để trở thành tù trưởng, Đam San theo tục nối dây phải kết hôn với hai người vợ của ông mình là H’Nhi và H’Bhi và buộc phải từ bỏ người yêu là H’Bia Điêt Klưt. Không cam chịu ép mình theo luật tục, Đam San lên trời khiếu kiện, nghĩ ra những thử thách để thoát khỏi cuộc hôn nhân theo nghĩa vụ này, kể cả việc muốn bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ, đi ngược lại tập quán mẫu hệ của người Ê Đê.Trong khi đó, trường ca Xinh Nhã là câu chuyện về người anh hùng Tây Nguyên chiến đấu chống lại những kẻ hung ác bằng sức mạnh của bão tố, đem đến cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho buôn làng.

Sử thi- vốn văn hoá độc đáo của người Ê Đê  - ảnh 1

 Cùng với trường ca Đam San, Xinh Nhã là những sử thi của người Ê Đê được in thành sách văn học để giảng dạy trong trường đại học.Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdam cho biết:Trường ca, sử thi là những “ trường thiên tiểu thuyết” do các nghệ nhân chân đất sáng tạo từ lâu đời. Có những câu chuyện dài hàng ngàn trang với hàng trăm nhân vật, xuất hiện cả ở 4 tầng không gian: trên trời, trên mặt đất, dưới đất và dưới nước, lại hoàn toàn bằng văn vần. Hơn nữa, tất cả được diễn tấu bằng âm nhạc với những cung bậc trầm bổng, những giai điệu và tiết tấu khác nhau. Qua những tác phẩm ấy, đời sống buôn làng Ê đê như hiển hiện trước mắt một cách rất rõ ràng, với đầy đủ mọi phong tục, tập quán sinh động.



Sử thi Ê Đê phần lớn đều có nguồn gốc dân gian, tồn tại dưới dạng truyền miệng hoặc văn bản. Có tác phẩm chỉ kể trong 1-2 đêm, nhưng cũng có tác phẩm phải kể kéo dài tới 4 - 5 ngày, đêm tùy theo trí tưởng tượng, trạng thái thăng hoa của người kể. Do vậy, cùng với sử thi, người Ê Đê còn có hát khan, còn gọi là hát kể sử thi. Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdam cho biết thêm:Trước đây, với hoàn cảnh sinh sống tương đối biệt lập, việc hát kể trường ca gần như là phương tiện duy nhất phục vụ cho đời sống tinh thần của cộng đồng các tộc người thiểu số Tây Nguyên, trong đó có người Ê Đê. Những ngày mưa dầm không đi rẫy được, những ngày lễ, hội sau mùa thu hoạch hay trong các cuộc vui đều có diễn ra hoạt động hát kể trường ca, sử thi này. Thậm chí, đang giữa lúc thu hoạch lúa rẫy, người ta cũng mời nghệ nhân tới hát cho mọi người cùng nghe trong lúc lao động.


Sử thi- vốn văn hoá độc đáo của người Ê Đê  - ảnh 2

Nghệ nhân hát kể sử thi được người Ê Đê coi trọng vì theo tín ngưỡng dân gian, đó là những người được thần linh ban cho khả năng độc đáo. Họ được coi là "báu vật sống" của dân tộc, là nghệ sỹ tổng hợp, là người sáng tạo tác phẩm, đạo diễn các tình huống, cũng là diễn viên tài năng, có thể diễn giọng nữ, giọng nam, giọng con quỷ, giọng thần tiên... đồng thời là người bình luận tính cách hay diễn biến câu chuyện... Họ chính là người tạo ra nhiều dị bản của sử thi Ê Đê, nên sử thi Ê Đê phát triển thành cả một  kho tàng khuyết danh, đúng nghĩa là những sáng tạo dân gian, giàu có và phong phú. Để bảo tồn hát kể sử thi Tây Nguyên nói chung, sử thi Ê Đê nói riêng, Bộ Văn hoá Thể Thao và Du lịch Việt Nam đã tiến hành đợt sưu tầm các điệu hát khan, hát kể sử thi lớn vào năm 2007 và tiến tới số hoá nguồn tài liệu vô giá này. Ngành văn hoá những nơi có đồng bào Êđê sinh sống cũng tiến hành thống kê, phân loại được 33 sử thi của dân tộc Ê Đê, đồng thời tích cực phục hồi các lễ hội, không gian diễn xướng để tạo môi trường cho hát khan, hát kể sử thi phát triển. Khi tiếng hát kể sử thi vang lên hàng ngày trong nhà dài của người Ê Đê, nó sẽ từng bước ăn sâu vào tâm trí cộng đồng người Ê Đê trẻ tuổi, tạo ra một lớp người nghe, người kể sử thi mới, để hát khan, hát kể và sử thi tồn tại mãi trong cộng đồng dân tộc Ê Đê./.


Phản hồi

Các tin/bài khác