Nhạc sĩ Hoàng Việt – qua bao nước chảy ngược dòng…

(VOV5) -  Sau khi hi sinh, Hoàng Việt mới được nhìn nhận và tôn vinh như một trong những gương mặt nổi bật của âm nhạc cách mạng.

Nghe âm thanh bài viết tạid dây qua giọng đọc PTV Hải Yến:

 

Nhạc sĩ Hoàng Việt (sinh 1928 -  hi sinh năm 1967) trước khi viết ca khúc Lên ngàn đã có những sáng tác nổi tiếng với bút danh Lê Trực như Chí cả, Biệt đô thành, Tiếng còi trong sương đêm, Đêm tàn trên bãi chiến, Về đi anh (viết chung với Hiếu Nghĩa)...trong giai đoạn 1944-1949. Một số bài hát của ông rất được ưa thích trong vùng tạm chiếm, ngay cả khi Lê Trực lên chiến khu.

Năm 1950, Hoàng Việt viết ca khúc Lá xanh, để rồi từ đây bước sang một giai đoạn phong cách mới với bút danh mới. Lên ngàn là một ca khúc có âm hưởng thính phòng, đánh dấu sự đa dạng hóa bút pháp, để sau đó Hoàng Việt tiếp tục với Nhạc rừng, Mùa lúa chín, những ca khúc sôi nổi, vui tươi.

Bến nước gió rét đò đưa khách sang

Lau xanh ven sông mờ tuôn bóng trăng

Đêm nay không gian chìm trong giá băng

Con đò sang ngang...

Nhạc sĩ Hoàng Việt – qua bao nước chảy ngược dòng… - ảnh 1

Tiếng còi trong sương đêm được chàng trai Lê Chí Trực viết năm 16 tuổi, với bút danh Lê Trực, mau chóng được yêu thích vì giai điệu lôi cuốn và âm hưởng ái quốc trong cao trào các bài hát giai đoạn giữa thập niên 1940.

Bài hát được ca sĩ Ngọc Hà thể hiện và thu âm trong đĩa 78 vòng của hãng Việt Đông cùng ban nhạc Văn Thanh khoảng năm 1950.

Theo Phạm Duy, cô là người tình của Lê Trực thời đầu kháng chiến: "Khi mới thành lập năm 1946, Đài Pháp - Á chưa có nhiều ca nhạc sĩ cộng tác. Chỉ mới có ban nhạc Trần Văn Lý với vài ca sĩ như Thu Hồ, Mạnh Phát, Minh Diệu, Thu Thu... Đài thiếu ca sĩ đến nỗi có một hôm, tới giờ phát thanh, Trần Văn Lý phải nhờ cô thông dịch viên Ngọc Trâm vào studio hát, rồi cô trở thành ca sĩ thực thụ và đổi tên là Minh Trang. Dần dần, số ca sĩ tăng lên, về phía nữ, có thêm Ngọc Hà, người tình của Lê Trực".

Câu chuyện về mối quan hệ giữa Ngọc Hà và Lê Trực không rõ cụ thể đến đâu, song bài hát này có một âm hưởng lãng mạn bên cạnh không khí bi tráng của một buổi tiễn biệt người chồng lên đường, mà được mặc định là ra trận. Giai điệu dặt dìu của điệu tango hay rumba (là thể điệu hay được hát sau này) rất phù hợp với không khí phòng trà và thẩm mỹ âm nhạc ở các đô thị. Tiếng còi trong sương đêm từng được ca sĩ Khánh Vân hát trên đài Pháp - Á trước khi cô đi kháng chiến (sau này cô ra Bắc và rất nổi tiếng với ca khúc Bài ca hy vọng của Văn Ký).

Năm 1947, Lê Trực lên chiến khu ở Bà Rịa. Tại đây với tiểu sử đã từng viết các bài hát được yêu thích trong thành như Biệt đô thành, Chí cả, Đêm tàn trên bãi chiến và nhất là Tiếng còi trong sương đêm, chàng gặp rắc rối vì chỉ huy Việt Minh ở đây nghi là phản động và bị giam ba tháng. Sau đó, chàng được lãnh đạo văn nghệ bảo lãnh về đơn vị và tiếp tục sáng tác, cho ra đời các bài hát nổi tiếng như Lá xanh, Lên ngàn, Nhạc rừng, Mùa lúa chín, Về đi anh (lời Hiếu Nghĩa), Tiếng hò thôn quê... với bút danh Hoàng Việt.

Hò ơ... Dòng sông chảy xiết, lái thuyền chèo đi

Trên sông Vàm Cỏ Đông, nước chảy ngược dòng

Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Còng

Cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con...

Dòng sông Vàm Cỏ Đông đã được nhạc sĩ Hoàng đưa vào trong âm nhạc từ ca khúc Lên ngàn viết vào năm 1952, thời điểm trận lụt năm Nhâm Thìn và giữa lúc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra. Khu vực chiến khu Tây Ninh với con sông có những người phụ nữ đi cắt lúa chạy lụt nuôi gia đình và nuôi quân đã thành một cái tứ cho bài hát nổi tiếng.

Nhạc sĩ Hoàng Việt – qua bao nước chảy ngược dòng… - ảnh 2Nhạc sĩ Hoàng Việt và vợ

Năm 1954, Hoàng Việt tập kết ra Bắc, chia tay người vợ Lâm Thị Ngọc Hạnh đang mang bầu đứa con thứ ba và hai con nhỏ ở lại miền Nam. Và sự chia ly này là một nguyên cớ cho ra đời bài Tình ca nổi tiếng năm 1957, khi ông tốt nghiệp khóa đầu trường Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội. Bài hát (cùng tên với một bài hát của Phạm Duy viết năm 1953) mang một phong cách âm nhạc khác, tiêu biểu cho thẩm mỹ âm nhạc có màu sắc hàn lâm, được coi như tác phẩm lớn của một giai đoạn âm nhạc Việt Nam. Bài hát này gắn với tên tuổi ca sĩ Quốc Hương, người thể hiện đầu tiên và các ca sĩ khác như Trần Khánh, Trung Kiên, tuy nhiên ban đầu lại không được đánh giá cao và thậm chí còn bị hạn chế không cho hát vì bị cho là có màu sắc ủy mị tiểu tư sản.

Những bài hát thời kháng chiến chống Pháp của Lê Trực - Hoàng Việt đã phổ biến cả vùng kháng chiến lẫn vùng tạm chiếm, được một số nhà xuất bản ấn hành. Bài hát Lên ngàn đã được ca sĩ Xuân Mai ở chiến khu miền Đông biểu diễn, sau đó rất được ưa thích ở miền Bắc do chất liệu đan xen giữa âm hưởng dân gian của điệu hò Đồng Tháp mênh mang và nhịp linh hoạt hối hả của khúc thức mang màu sắc hành khúc, tạo ra đất biểu cảm cho ca sĩ. Nhiều giọng nữ nổi tiếng đã thành công như Tuyết Thanh, Diệu Thúy, Thanh Trì... Điều đặc biệt là bài hát vẫn được một danh ca miền Nam biểu diễn là ca sĩ Ngọc Cẩm, thu âm năm 1970 với lời ca có đôi chút khác biệt.

Năm 1958, Hoàng Việt được cử đi học sáng tác ở Bulgaria, ông trở về và sáng tác các tác phẩm giao hưởng như Quê hương, vở opera Bông Sen (cùng Lưu Hữu Phước và Nguyễn Vũ) và nhiều tác phẩm khác. Đầu năm 1966, Hoàng Việt vượt Trường Sơn vào Nam, tham gia quân giải phóng. Ông gặp lại vợ và có thêm đứa con thứ tư. Ông hi sinh đúng ngày cuối năm 1967 trong chuyến đi thực tế tại Cái Bè, Tiền Giang.

Chỉ sống trên đời 39 năm nhưng Hoàng Việt đã để lại nhiều tác phẩm được các thế hệ ghi nhớ và yêu thích. Sau khi hi sinh, Hoàng Việt mới được nhìn nhận và tôn vinh như một trong những gương mặt nổi bật của âm nhạc cách mạng.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác