(VOV5) - Năm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên đều là những người có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc hiện đại nước nhà.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Mạch nguồn Ví, Giặm” – một chương trình nghệ thuật tôn vinh những người con ưu tú của xứ Nghệ, là các nhạc sĩ: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên, góp phần lan tỏa giá trị của dân ca Ví Giặm” sẽ diễn ra lúc 20h ngày14.5 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô.
Chương trình “Mạch nguồn Ví, Giặm” có sự tham gia của các ca sĩ NSUT Thanh Lam, NSUT Phạm Phương Thảo, NSUT Tiến Lâm, NSUT Đức Long, Đinh Trang… thể hiện 15 ca khúc đã nằm lòng với công chúng, làm nên tên tuổi của các nhạc sĩ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật: chất dân ca Ví Giặm xứ Nghệ hiện diện rất rõ trong các sáng tác của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên: "Đương nhiên sáng tác của các nhạc sĩ cũng ảnh hưởng từ những mạch nguồn khác. Ví dụ chất liệu miền núi trong sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên, Nguyễn Tài Tuệ, chất Nam bộ trong sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Nhưng có lẽ nổi bật nhất là chất dân ca xứ Nghệ thấm đẩm trong ca từ, trong âm nhạc của năm nhạc sĩ này. Và có lẽ chính mạch nguồn Ví Giặm đã tạo nên sự nổi tiếng của các ca khúc ấy và của các nhạc sĩ này."
Năm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên đều là những người có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc hiện đại nước nhà. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong 5 người sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông đã dành nhiều thời gian rong ruổi khắp 3 miền, học hỏi và chắt lọc các làn điệu dân ca để viết nên những ca khúc bất hủ như: “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Mẹ yêu con”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý |
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sáng tác âm nhạc với tình yêu và những kí ức đẹp về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Với quan niệm sáng tác “quý hồ tinh bát quý hồ đa”, dù không được đào tạo bài bản nhưng ông đã để lại những tác phẩm nổi tiếng như: “Xa khơi”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Suối mường Hum còn chảy mãi”… Lúc sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng nói: "Dân ca nói chung đều có chiều sâu, nhưng riêng với dân ca Nghệ Tĩnh thì chiều sâu ấy đặc biệt lắm. Vì tôi là người Nghệ Tĩnh. Từ năm lên 7 tuổi tôi đã được nghe dân ca ví giặm. Các làn điệu dân ca đã đi vào trong người ta thành món ăn muôn thuở, như chất lúa chất gạo vậy”.
Nhạc sĩ Hồng Đăng là người để lại cho đời hơn 1000 tác phẩm âm nhạc, nhiều bài hát được người đời yêu thích: “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”, “Lênh đênh”… Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lại được khán giả yêu mến gọi là “người bước ra từ ca dao”, với rất nhiều ca khúc được đông đảo khán giả yêu thích như: “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”, “Bản tình ca bên một dòng sông”… Còn nhạc sĩ An Thuyên là một trong số các nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng vốn âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh một cách khéo léo, tài tình như: “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”…
Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam nhận định: "Đây là niềm tự hào không những của xứ Nghệ mà còn của nền âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc rất nổi tiếng, ngoài những mảng ca khúc còn có nhạc không lời. Đặc biệt nhạc sĩ Hồng Đăng còn có nhạc phim rất nhiều. Những con người tài năng đó cùng hợp lại trong một chương trình thì sẽ tạo thành một bữa tiệc âm nhạc quá sang trọng. Những ca khúc của các anh, ví dụ như Nguyễn Văn Tý viết về Nam Bộ nhưng cũng thấy thấp thoáng chất liệu Ví Giặm, An Thuyên viết về Bắc Bộ nhưng cũng thấy có gì đó của Ví Giặm, hoặc Hồng Đăng viết nhạc có âm hưởng thính phòng nhưng cũng thấy thấp thoáng cung quãng của Ví Giặm. Có thể thấy chất liệu dân ca Ví Giặm đã ngấm vào các anh từ khi còn trong nôi. Đây là tài năng có sẵn trong con người các anh chứ không phải chỉ học hành mới có được điều đó."
Ca sĩ Đinh Trang- một người con xứ Nghệ tham gia chương trình “Mạch nguồn Ví Giặm” sẽ thể hiện ca khúc “Mẹ yêu con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Đây là ca khúc mà cô đã hát trên nhiều sân khấu, trong những cuộc thi âm nhạc. Lần trở lại này, ca sĩ Đinh Trang mang một tâm thế mới, với những trải nghiệm và cảm xúc thăng hoa: "Trước đó, bài hát “Mẹ yêu con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí được Trang hát ở rất nhiều sân khấu, từ hồi bé Trang đã hát sau đấy lớn lên Trang đã từng đứng với dàn nhạc giao hưởng để hát bài hát này và khi đi làm có rất nhiều người yêu cầu bài hát đấy và Đinh Trang cảm thấy nó là một cái bài hát khiến cho Trang có một cái sự thổn thức, cảm xúc thiêng liêng mà Trang dành cho người mẹ của Trang. Đinh Trang đã trở thành một người mẹ có hai đứa con và tình cảm của Đinh Trang với bài hát sẽ nhiều hơn so với những buổi biểu diễn trước đó, khi Trang chưa làm mẹ."
Cái nôi văn hóa xứ Nghệ, với núi Hồng, sông Lam, với những câu hò điệu ví đã nuôi dưỡng tinh thần cho bao thế hệ lớn lên. Riêng các nhạc sĩ, họ đã dựa trên nền tảng những giá trị văn hóa dân gian, thêm vào đó những cảm xúc mới mang tầm thời đại trong những sáng tác của mình.