(VOV5) - Các mô hình sinh kế cho nạn nhân bom mìn gồm: tạo việc làm tại chỗ, việc làm phi chính thức, đơn giản cho nạn nhân như mây tre đan, may, chăn nuôi..
Sáng 22/6, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị quốc tế về hợp tác quốc tế hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại Việt Nam. Hội nghị nhằm chia sẻ và thảo luận các thông tin về hoạt động ưu tiên hỗ trợ nạn nhân bom mìn về y tế, phục hồi chức năng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, dịch vụ xã hội...; thu thập số liệu về nạn nhân bom mìn; tăng cường truyền thông khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam. Đây cũng chính là những nhiệm vụ hàng đầu của Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Các mô hình sinh kế cho nạn nhân bom mìn gồm: tạo việc làm tại chỗ, việc làm phi chính thức, đơn giản cho nạn nhân như mây tre đan, may, chăn nuôi...
Hội nghị hợp tác quốc tế hỗ trợ nạn nhân bom mìn ở Việt Nam. Ảnh: Hà Nam/VOV |
Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết: “Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức phi Chính phủ, họ có những hỗ trợ rất là tích cực. Thứ nhất, họ hỗ trợ chúng ta trong quá trình xây dựng các chính sách để hỗ trợ các nạn nhân bom mìn. Thứ 2 là hộ hỗ trợ bằng các mô hình thực hiện ở các địa phương như: Hỗ trợ người khuyết tật được tạo việc làm, về kế sinh nhai. Những mô hình mà họ hỗ trợ về mặt kỹ thuật thì họ cũng sẽ hỗ trợ chúng ta trong quá trình mở rộng các dịch vụ hỗ trợ các nạn nhân bom mìn ở địa phương”.
Để giúp các nạn nhân bom mìn vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, nhiều tổ chức quốc tế có chương trình hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, giúp nạn nhân bom mìn cải thiện chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng. Bà Lê Thị Nhật, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế - Quỹ MoveAbility, chia sẻ: “Dự án của chúng tôi bắt đầu thực hiện từ những năm 1989. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn hỗ trợ các dụng cụ chỉnh hình về phục hồi chức năng cho người khuyết tật và nạn nhân bom mìn trên toàn quốc ở Việt Nam. Giai đoạn trước đây, đối tượng nạn nhân bom mìn chiếm khá lớn trong đối tượng hưởng lợi của dự án, từ 67 đến 70%. Bây giờ còn khoảng trên 50 đến 60% trong tổng số hơn 30 nghìn người hưởng lợi của dự án là nạn nhân bom mìn”.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới, với số bom mìn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn. Ước tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Ước tính, để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam phải mất hàng trăm năm, với số kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng.