Nhiều hoạt động mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2561

(VOV5) - Lễ Phật Đản (15/4 Âm lịch hàng năm) là một ngày lễ lớn đối với hơn 10 triệu đồng bào theo đạo Phật ở Việt Nam. 

Lễ Phật Đản (15/4 Âm lịch hàng năm) là một ngày lễ lớn đối với hơn 10 triệu đồng bào theo đạo Phật ở Việt Nam. Tại Thủ đô Hà Nội, từ đầu tháng Tư âm lịch đến nay, nhiều nơi đã tổ chức Lễ Phật đản theo nghi thức truyền thống như lễ dâng hương, tắm Phật cầu an lành, hạnh phúc, thả bóng bay cầu Hòa bình cho đất nước, cho nhân dân được an vui. Lễ phật đản tổ chức tại các chùa ở Hà Nội cũng gắn với những hoạt động thiết thực, gắn đạo với đời như trao tặng quà cho người nghèo, người neo đơn, các em học sinh nghèo vượt khó... Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó Trưởng ban thường trực Ban văn hóa Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết: “Ngày Phật Đản năm nay có nhiều thông điệp, quan trọng nhất đối với người phật tử là thực hành đúng với tính chất con người toàn diện, còn đối với các vị lãnh đạo, chư tôn đức là thực hiện đúng chương trình hành động của giáo hội, tổ chức Đại hội Phật giáo thứ 8, với chủ đề: trí tuệ, kỷ cương, hội nhập, phát triển. Đó là thông điệp được giáo hội Phật giáo đưa ra để cho tất cả tăng ni, phật tử cũng như lãnh đạo Hội đồng Phật giáo Việt Nam phải thực hiện”.

 

Nhiều hoạt động mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2561  - ảnh 1Ảnh: báo điện tử Hà  Tĩnh 

 

Mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2561, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thuyết pháp tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, diễu hành xe hoa, lễ rước Phật cầu nguyện quốc thái dân an. Tại thành phố Đà Nẵng, các chùa tổ chức lễ cầu nguyện, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc... Nhiều chùa tổ chức các hoạt động nhân đạo từ thiện như xây nhà tình thương tặng người nghèo, trao quà nạn nhân chất độc da cam, trẻ em hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 5 tỷ đồng. Đại đức Thích Chúc Tín, Trụ trì chùa Bát Nhã, Chánh văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng, cho biết:”Không khí của Đại lễ Phật Đản thì mỗi năm đều có một sắc thái riêng nhưng mà cũng đều quy chung  vào một tinh thần đó là hướng đến an sinh xã hội như là phát thuốc, thăm bệnh nhân, trao quà, đi vùng sâu vùng xa”.

 

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cấp Giáo hội, tăng ni, phật tử trong cả nước kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, tham gia vào các hoạt động xã hội, nỗ lực làm cho đạo Phật đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân và gia đình, sự phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước và hòa bình cho nhân loại.  

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác