(VOV5) - Nghị quyết ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh hoạ: Báo Chính Phủ |
Ngày 18/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm; quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: xây dựng thành phố cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng các thành phố Mỹ Tho, Tân An, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau và Sóc Trăng thành các trung tâm tổng hợp, chuyên ngành; Tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị; Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ; Phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh…..
Cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hơn 30 tổ chức quốc tế và 100 doanh nghiệp lớn của các nước sẽ tham gia Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), tại thành phố Cần Thơ vào ngày 21/6 tới đây. Hội nghị bao gồm các nội dung chính như: Công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; định hướng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thống nhất triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, 6 ngân hàng phát triển sẽ công bố cam kết với các dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025. Nguồn vốn tài trợ và vốn vay ODA cam kết là khoảng 2,2 tỷ USD.