Quốc hội thảo luận dự thảo Luật phổ biến giáo dục pháp luật

(VOV5) - Sáng 29/5, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Giám định tư pháp. Đa số các đại biểu đều tán thành với nội dung của dự thảo là cần thay đổi một số chính sách để hoàn thiện thể chế giám định tư pháp, phục vụ hoạt động tố tụng và mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, cá nhân, tổ chức tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

 
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, việc ban hành Luật giám định tư pháp là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng và nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, một điểm mới của dự thảo Luật này nhận được nhiều ý kiến khác nhau, đó là vấn đề xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp. Nhiều đại biểu cho rằng, việc xã hội hóa giám định tư pháp nên được tiến hành ở mức độ nhất định. Ông Trần Văn Tấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nêu ý kiến: " Trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện xã hội hóa giám định tư pháp nên có giới hạn, chưa nên mở rộng trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đảm bảo tính khả thi khi Luật được thông qua. Vì vậy, tôi nhất trí với quy định tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập do giám định viên tư pháp thành lập chỉ áp dụng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Còn các lĩnh vực khác, việc giám định tư pháp do tổ chức, cá nhân giám định theo vụ việc."

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật phổ biến giáo dục pháp luật - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Kha (tỉnh Trà Vinh)



Bên cạnh vấn đề xã hội hóa, các đại biểu cũng thảo luận về một số ý kiến còn khác nhau liên quan đến nội dung Dự thảo như: quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự, cơ cấu tổ chức của các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y và pháp y tâm thần; và việc giải quyết trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận giám định lần đầu và giám định lại.


Chiều cùng ngày, sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Các đại biểu cho rằng Dự thảo luật đã nêu cần có thêm quy định xử phạt đối với hành vi tuyên truyền pháp luật trái với tinh thần của Luật. Đại biểu Phạm Đức Châu, đoàn Quảng Trị, cho rằng việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng xã hội cần có hình thức tuyên truyền phù hợp và hiệu quả, do đó cần đặt ra tính phổ biến của pháp luật trên cơ sở mọi đối tượng đều phải được tiếp nhận pháp luật một cách bình đẳng. Đại biểu Phạm Đức Châu đề nghị trong Dự thảo nên quy định các cơ quan chức năng căn cứ theo từng vùng miền, từng đối tượng khác nhau có thể tiến hành tuyên truyền pháp luật sao cho phù hợp./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác