Đổi mới hoạt động của Quốc hội

(VOV5)- Một nội dung quan trọng được trình tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13 lần này là Đề án đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Mục tiêu của đề án này nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đề án thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.


Hầu hết đại biểu đều tán thành với những nội dung của Đề án do Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra, cho rằng các lĩnh vực cần được đổi mới trong dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội gần như là toàn diện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đổi mới phải bắt đầu từ cách tiếp xúc cử tri. Theo đó, việc tiếp xúc này cần được mở rộng hơn nữa cả về phạm vi lẫn đối tượng được tiếp xúc. Ông Phùng Quốc Hiển, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, nóiKhông tiếp xúc được với người dân cụ thể thì dẫn tới thông tin không đầy đủ. Nhiều đề nghị không phải xuất phát từ cử tri mà nhiều khi chỉ từ một nhóm cán bộ. Vừa qua, đi tiếp xúc thì cử tri đề nghị rất nhiều nhưng thẩm quyền của đại biểu không phải là giải quyết được tất cả. Đấy là vấn đề làm cho uy tín của đại biểu Quốc hội giảm sút.”




Đổi mới hoạt động của Quốc hội - ảnh 1
Các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường



Về hoạt động giám sát bao gồm cải tiến, đổi mới việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hàng năm, nhiều ý kiến cho rằng kết quả bỏ phiếu tín nhiệm phải được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét trình quốc hội miễn nhiệm. Bên cạnh đó, để việc bỏ phiếu hiệu quả và chất lượng, cần dựa trên chương trình hành động cụ thể. Bà Lê Thị Nga, đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đề xuất: “Trước khi đại biểu Quốc hội bầu thì yêu cầu cần phải có 1 chương trình hành động cụ thể. Khi có chương trình hành động này rồi, thì sau 1-2 năm căn cứ vào đó để xem đại biểu thực hiện chương trình đó như thế nào. Theo cá nhân tôi, nên bỏ phiếu tín nhiệm từ chức danh tương đương bộ trưởng trở lên.”




Đổi mới hoạt động của Quốc hội - ảnh 2
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trước Quốc hội


Cũng liên quan đến hoạt động giám sát, ông Trương Văn Vở, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, đề nghị cần tăng cường hơn nữa các hoạt động sau giám sát để giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, tránh tình trạng vượt cấp và tăng cường giám sát giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của cử tri: “Chúng tôi đề nghị nên tăng hoạt động giám sát hoạt động của Cơ quan tư pháp và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Cần có quy định xác định rõ trách nhiệm và các hình thức xử lý, chế tài, áp dụng nghiêm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân được giám sát nhưng không thực hiện hoặc chậm thực hiện.”


Đề cập hoạt động chất vấn, một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội được cử tri quan tâm nhất, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng nên tiếp tục đổi mới. Tuy nhiên, để hoạt động chất vấn hiệu quả, cần lựa chọn một số nhóm vấn đề bức xúc, nổi cộm mà dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Bởi thực chất của hoạt động chất vấn là xem xét trách nhiệm của người được Quốc hội bầu, phê chuẩn giữ những trọng trách trong bộ máy Nhà nước về một lĩnh vực nào đó. Bên cạnh đó cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động chất vấn, giải trình.



Đổi mới hoạt động của Quốc hội - ảnh 3
Đề án đổi mới hoạt động Quốc hội thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu
(ảnh minh hoạ: Đức Anh)



Ông Trương Minh Hoàng, đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau, nêu ý kiến cần tăng cường tổ chức các Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội hoặc Hội nghị trực tuyến các đại biểu Quốc hội chuyên trách để xin ý kiến về các dự án luật trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, cần tăng thời lượng các chương trình phát thanh và truyền hình về Quốc hội trên các kênh truyền hình phủ sóng toàn quốc; xây dựng kênh truyền hình Quốc hội và phù hợp với điều kiện của đất nước. Đại biểu Trương Minh Hoàng, nói “Tôi lấy ví dụ như thay vì chúng ta có một kênh truyền hình chính thống của Chương trình Quốc hội với cử tri mà Đài Tiếng nói Việt Nam đang làm thì có thể nâng cấp đài lên thành một đài cho Quốc hội; có như vậy thì ngay những kỳ họp mà phát thanh truyền hình trực tiếp thì có thể những nội dung thay vì thảo luận ở tổ thì chúng ta nên tổ chức Hội nghị trực tuyến và tổ chức truyền hình và phát thanh trực tiếp, sẽ có hiệu quả và chất lượng hơn.”


Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, cho rằng muốn đổi mới hoạt động chung của Quốc hội thì phải đổi mới từ ngay hoạt động của các đại biểu Quốc hội, thứ hai là đổi mới của các cơ quan Quốc hội. Trong đó cần đổi mới các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban và các phiên họp giải trình. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nói: “Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội trong việc thực hiện các chính sách pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội mà hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thấy có vấn đề gì mà cử tri quan tâm, nóng, bức xúc thì nên tổ chức các phiên giải trình, những phiên giải trình sẽ tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội tiếp cận sâu với vấn đề mà cử tri quan tâm và đồng thời các bộ ngành có liên quan thì cũng giải trình rõ trách nhiệm và giải pháp để tháo gỡ những bức xúc đó, những yêu cầu đó.


Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội là một chủ trương đúng đắn, không chỉ để Quốc hội thực sự vững mạnh, mà còn góp phần để các đại biểu quốc hội thực hiện tốt lời hứa trước nhân dân. Vì vậy, những ý kiến của đại biểu quốc hội, đại diện cho cử tri cả nước tại kỳ họp lần này chắc chắn sẽ góp phần để Quốc hội thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, đó là xây dựng một nhà nước thực sự do nhân dân và vì nhân dân./.

Phản hồi

Các tin/bài khác