Các trại giam triển khai công tác đặc xá

(VOV5) - Để chuẩn bị hành trang cho các phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, cán bộ trại tạm giam đang tích cực tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật xã hội nghề nghiệp cho phạm nhân.

Đặc xá nhằm cụ thể hóa chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với những người lầm lỗi biết ăn năn hối cải. Năm nay, thực hiện quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá và các kế hoạch có liên quan, các trại giam của Bộ Công an và Công an các địa phương đã triển khai công tác đặc xá, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định.

Các trại giam triển khai công tác đặc xá - ảnh 1Cán bộ Trại tạm giam Công an Khánh Hòa tư vấn nghề nghiệp cho các phạm nhân được đặc xá. Ảnh: bocongan.gov.vn

Ngay sau khi có quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và các hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, trại tạm giam, công an tỉnh Khánh Hòa đã tích cực chuẩn bị với các bước lựa chọn xét duyệt chặt chẽ, đề nghị đặc xá cho những phạm nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhằm đảm bảo công tác đặc xá được thực hiện đúng đối tượng đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trại cũng xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến từng phạm nhân các quy định liên quan đến công tác đặc xá để các phạm nhân nắm bắt được chủ trương, từ đó soi xét bản thân và tự nguyện viết đơn nếu đủ điều kiện.

Để chuẩn bị hành trang cho các phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, cán bộ trại tạm giam đang tích cực tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật xã hội nghề nghiệp cho phạm nhân, giúp các phạm nhân có thêm kiến thức hành trang để tái hòa nhập cộng đồng bền vững: “Việc mà tạm giam tổ chức cho phạm nhân được đề nghị đặc xá học tập và các chính sách quy định của pháp luật nhằm mục đích là giúp cho phạm nhân sau khi được đặc xá về nơi cư trú tại địa phương thì biết được các quy định của pháp luật để không tái phạm, không có hành vi vi phạm pháp luật, cũng như hiểu biết được các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước có liên quan đến việc tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ cho phạm nhân là có thể là lao động hoặc là thực hiện các chính sách vay vốn rồi là định hướng về nghề nghiệp. Trên cơ sở đó, phạm nhân có tư tưởng có thái độ chấp hành tốt các quy định của pháp luật, quy định của địa phương, không có vi phạm pháp luật”.

Năm nay, Trại giam Công an tỉnh Khánh Hòa có 3/20 phạm nhân đủ điều kiện được xét đặc xá. Họ luôn nỗ lực cải tạo tốt, chờ ngày về làm lại cuộc đời. Là một trong ba phạm nhân có tên trong danh sách được xét đặc xá năm 2024, Phạm nhân Võ Thị Phương Uyên, ở Thành phố Nha Trang, bày tỏ: “Bản thân em rất vui mừng và phấn khởi vì được có tên trong danh sách đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước, Chính phủ. Ở trại tạm giam, được sự quan tâm của Ban Giám thị cán bộ, chiến sỹ, chúng em được học tập, nhận thức rõ lỗi lầm của mình, cố gắng khắc phục hậu quả do mình gây ra”.

Tại Trại giam Vĩnh Quang, Bộ Công An, trong 4.000 phạm nhân tại trại giam này hơn 100 phạm nhân đủ điều kiện đề nghị đặc xá. Phạm nhân Nguyễn Văn Lương có án phạt tù 8 năm, đã chấp hành được gần 5 năm tù tại Trại giam Vĩnh Quang, Bộ Công An. Quá trình cải tạo phạm nhân thường xuyên được xếp loại khá và tốt và đủ điều kiện đề nghị đặc xá: “Tôi cảm thấy rất hối hận. Tôi mong muốn sớm được tự do được trở về với gia đình trở thành một người công dân có ích cho xã hội”.

Đánh giá về công tác chuẩn bị đặc xá trên toàn quốc, Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Cục trưởng, Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an, cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu, xem xét, lập danh sách người có đủ điều kiện được đề nghị đặc xá. Hồ sơ người đủ điều kiện để được đề nghị đặc xá năm 2024 được tiến hành một cách đúng quy định và đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, công bằng, công khai và minh bạch”.

Từ 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá cho hơn 92.000 phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt trở về với gia đình, cộng đồng làm công dân có ích cho xã hội. Đặc xá đã mang lại cơ hội làm lại cuộc đời cho rất nhiều người. Nhiều người khi về với cộng đồng, đã sống một cuộc sống lương thiện và tỷ lệ tái phạm rất thấp (chiếm 0,08%). Điều này càng khẳng định ý nghĩa của một chính sách nhân văn của Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác