(VOV5) - Hàng chục năm gắn bó với các xã, bản của huyện Mường Tè, những giáo viên mầm non như cô Ngô Thị Hà, cô Đinh Thị Thái luôn cố gắng vượt qua những khó khăn vì xa gia đình.
Những năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên từ miền xuôi lên xã Pa Ủ - xã vùng biên giới, đặc biệt khó khăn ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, công tác. Xa gia đình, các thầy, cô giáo đã gửi cả thanh xuân, ngày đêm bám bản, mang cơ hội học tập tốt hơn cho những đứa trẻ vùng cao.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Khi khoác ba lô lên đây thì trường lớp không được như bây giờ đâu, chỉ là quây bằng bạt và phên nứa thôi. Ở 1 tháng đầu tiên tôi giảm 10 cân bởi vì nhớ nhà, nhớ con, cứ tưởng không ở lại đây được nhưng mà công việc cứ sáng đón trẻ, cho ăn, cho ngủ, công việc cứ cuốn hút, thấm thoắt trôi đã được 17 năm rồi."
"Đi xa thì cũng thương các cháu ở nhà lắm nhưng cũng khắc phục bằng cách qua các cuộc điện thoại động viên hằng ngày. Có lúc tưởng không vượt qua nổi nhưng mình cứ cố gắng vượt qua, dần dần các con ở nhà cũng lớn, đi học và có công việc rồi tôi thêm yên tâm gắn bó với học trò ở đây."
Cô giáo Đinh Thị Thái đi tuyên truyền để phụ huynh cho con đến lớp. |
Hàng chục năm gắn bó với các xã, bản của huyện Mường Tè, những giáo viên mầm non như cô Ngô Thị Hà, cô Đinh Thị Thái luôn cố gắng vượt qua những khó khăn vì xa gia đình.
Xã Pa Ủ là nơi chủ yếu đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 80%. Trước đây, mỗi khi vào mùa làm nương, đồng bào La Hủ đi làm nương rẫy thường đưa con đi cùng. Nhiều hôm lên lớp ngồi chờ mà không có cháu nào đến, các thầy, cô giáo ở bản phải trèo đèo, lội suối đi tìm học sinh. Gia đình ở tỉnh Phú Thọ, cách Pa Ủ hơn 700km, mọi công việc gia đình ở nhà cô giáo Ngô Thị Hà đều nhận được sự chia sẻ và yêu thương hết mực từ người thân.
Lớp học của cô giáo Thái. |
Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh để cô yên tâm gắn bó với điểm bản Pha Pu, Trường Mầm non Pa Ủ: "Nghỉ Tết chúng tôi về nhà được 1 tuần, còn hè được 2 tháng hè, nghỉ phép từ 1/6 đến 1/8 phải trả phép. Mọi công việc ở nhà đến việc học của các cháu có chồng lo hết, chứ không tôi không thể yên tâm trên này công tác được."
Sống với đồng bào dân tộc La Hủ nhiều năm, cô giáo Thái cũng đã quen cả phong tục, tập quán và cả tiếng đồng bào. Điểm trường Nhú Ma của cô giáo Đinh Thị Thái có hơn 30 cháu. Để phụ huynh cho con đi học đều đặn, những buổi đi tuyên truyền, vận động được cô giáo Thái và các đồng nghiệp thường xuyên tổ chức.
Hơn 17 năm bám bản, cô giáo Ngô Thị Hà đã và đang ngày đêm cần mẫn chăm sóc con em đồng bào dân tộc La Hủ |
Cách đây gần 30 năm, cô giáo Đinh Thị Thái, dân tộc Mường, quê ở Hòa Bình ra trường rồi bắt đầu sự nghiệp trồng người của mình ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Những năm trước, ở những xã như Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, cơ sở vật chất thiếu thốn, không có điện, trường dựng tạm bằng tranh tre, nhưng những giáo viên như cô Thái không nản chí: "Ở trên này một bản nhưng người dân ở thành 4,5 quả đồi. Có những hôm không thấy học sinh chúng tôi phải leo lên nương tìm. Lên thuyết phục phụ huynh, mình phải nói tầm quan trọng của bậc học mầm non, tâm sự với phụ huynh học sinh nhiều điều thì sáng hôm sau họ lại cho con đi học. Huy động học sinh đến lớp vất vả lắm nhưng là giáo viên mình phải khắc phục khó khăn, khi cố gắng được thì mọi việc sẽ vượt qua và chúng tôi lấy đó làm niềm vui."
Sự cống hiến thầm lặng của giáo viên miền xuôi đã góp phần xây dựng bản làng vùng cao ngày càng no ấm. |
Trong công tác chuyên môn, các cô luôn tích cực trau dồi kiến thức, chịu khó nghiên cứu, học hỏi đồng nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhờ sự quan tâm, nỗ lực của đội ngũ giáo viên như cô Hà, cô Thái, trường mầm non Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu những năm gần đây đã làm được nhiều điều mà bao năm trăn trở, đó là tất cả phụ huynh đồng bào dân tộc La Hủ đã cho con đi học đầy đủ. Năm nào các con cũng có thêm 1 bộ quần áo mới, sách bút, dép, áo ấm từ sự đóng góp của các cô và nguồn vốn xã hội hóa. Đặc biệt các cô đã duy trì, tổ chức được bữa trưa miễn phí cho các con.
Ông Ly Sạ Pu, người dân ở xã Pa Ủ, xúc động kể: "Giáo viên ở miền xuôi lên khổ lắm, dân ăn như thế nào thì họ cũng sống như thế. Đường sá khó khăn không được về đâu, khi nào nghỉ hè mới về quê. Giáo viên miền xuôi ở trên này cũng ít thôi, vì vất vả lắm."
Dẫu cuộc sống còn khó khăn và đã nhiều năm nay không có giáo viên miền xuôi lên đây nhận công tác, nhưng các cô giáo đã lên đây công tác không rời bỏ vùng biên cương khó khăn này. Với các cô giáo, mỗi sớm mai lên lớp bọn trẻ được vui hơn, học hành tiến bộ và cuộc sống no đủ hơn là niềm vui, hạnh phúc của các cô.