(VOV5) - Dù ở nơi đâu, đối với mỗi người con Việt Nam, tiếng Việt được xem là sợi dây kết nối, gắn kết và gìn giữ mỗi tâm hồn Việt với quê hương.
Tuy nhiên, làm sao để ngôn ngữ và văn hóa Việt tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng, là chìa khóa gắn kết các thế hệ người Việt xa xứ gắn bó với quê hương, bảo tồn những giá trị truyền thống là trăn trở của các thế hệ nhà giáo người Việt ở nước ngoài.
Cô giáo Nguyễn Thị Mận (ngoài cùng bên phải). |
Dù được đào tạo ngành sư phạm Ngữ Văn, cũng đã có nhiều năm được đứng trên bục giảng ở Việt Nam, cô Nguyễn Thị Mận đành tạm gác sự nghiệp trồng người để theo gia đình sang Cộng hòa Séc sinh sống và làm việc. Bên cạnh việc phải duy trì cuộc sống bằng các công việc khác, đối với cô trăn trở lớn nhất là làm sao tiếp tục được trao truyền các kiến thức của mình đối với các thế hệ thứ 2,3 của người Việt, để tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tiếp tục được duy trì, gìn giữ cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài.
"Ban đầu sang bên này có những lúc phải lo cuộc sống, buôn bán nên tôi không thể dạy học. Khi đó, tôi lúc nào cũng trăn trở vì không thể trao truyền kiến thức cho các em và khi bước vào dạy thì điều đó càng thôi thúc mạnh mẽ và không bằng cách này cách khác chúng ta phải quyết tâm đưa tiếng Việt đến với các em”, cô Nguyễn Thị Mận chia sẻ.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc truyền tải ngôn ngữ và văn hóa Việt với các thế hệ trẻ, nhưng sự yêu thích của các em học sinh kiều bào với văn hóa Việt, sự nỗ lực của các gia đình và cộng đồng người Việt tại Séc trong hoạt động duy trì tiếng Việt chính là động lực để cô nỗ lực hơn trong việc biên soạn giáo án, tìm các cách thức mới để tiếng Việt đến với các em thật gần gũi, sinh động đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vừa qua.
Cô Nguyễn Thị Mận chia sẻ: “Nếu chúng ta có niềm đam mê, trách nhiệm thì chúng ta sẽ cố gắng. Tôi không được huấn luyện dạy online nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát thì niềm thôi thúc trong lòng không để các em bị đứt gẫy kiến thức, gián đoạn việc học tiếng Việt đã khiến cho tôi tìm tòi, tự học trau dồi thêm kiến thức để truyền tải cho các em".
Ông Nguyễn Văn Sơn đang trao đổi với đồng nghiệp giáo án và phương pháp dạy tiếng Việt cho các học sinh. |
Dù đã gần 70 tuổi, nhưng mỗi cuối tuần, ông Nguyễn Văn Sơn vẫn đều đặn lên lớp. Đối với ông, được dạy Tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào là niềm vui, niềm hạnh phúc. Ông cũng là một trong những cá nhân thành lập Trung tâm dạy Tiếng Việt cho hàng nghìn các học sinh người Việt tại Praha trong nhiều năm qua.
Ông Sơn tâm sự: “Để cho các cháu đến trường, yêu trường, học tập tốt, tôi luôn nói với các giáo viên rằng dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng thực sự là nghệ thuật, tức là làm sao để các cháu mến, các cháu yêu, các cháu nhớ, các cháu đến, chứ thực sự không có gì bắt buộc các cháu".
Các học sinh kiều bào trong một lớp học tiếng Việt ở Praha. |
Nền tảng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia chính là văn hóa, là ngôn ngữ. Do đó, công tác giảng dạy tiếng Việt cũng như chiến lược phát triển và củng cố tiếng Việt trong cộng đồng thời gian qua được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng. Bên cạnh sự nỗ lực của chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong gia đình, cộng đồng kiều bào trong việc duy trì cho con em học tập và hiểu văn hóa Việt thì mỗi thầy cô giáo kiều bào chính là yếu tố đặc biệt quan trọng, là sợi dây kết nối các thế hệ người Việt ở nước ngoài đến gần hơn với quê hương đất nước, là cầu nối giúp các em thêm yêu và trân trọng các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng như hội nhập tốt với nước sở tại.