Phát huy nền tảng số trong đổi mới công tác thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao

(VOV5) - Chuyển đối số nói chung và chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại nói riêng, là yêu cầu tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược.

Tối 8/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tập đoàn viễn thông VNPT tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Phát huy nền tảng số trong đổi mới công tác thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao”.

Phát huy nền tảng số trong đổi mới công tác thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao - ảnh 1Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Bá Thi/VOV5

Hội nghị có sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về báo chí (Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông), các cơ quan báo chí lớn trong nước (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Vnexpresss..), một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (VNPT, VCCorp) và kết nối với hơn 70 điểm cầu là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, chuyển đối số nói chung và chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại nói riêng, là yêu cầu tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, để chuyển đối số thành công có nhiều việc phải làm và cần nhiều nỗ lực, trong đó quan trọng nhất là sự thay đổi về nhận thức.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang khẳng định: “Có 3 nội dung lớn cần triển khai. Thứ nhất là thống nhất về tư duy và sự nhận thức. Nhận thức đó không chỉ là về sự cần thiết phải chuyển đổi số, mà quan trọng hơn cả là thống nhất về cách làm sao cho đạt hiệu quả. Ngoài ra, còn là sự nhận thức về cơ hội cũng như là thách thức mà chuyển đổi số đặt ra. Thứ hai là về cách làm. Theo đó, chuyển đổi số không chỉ ở công tác thông tin đối ngoại, mà phải tiến hành đồng bộ, tổng thể, phải có tầm nhìn dài hạn và biện pháp thực hiện khả thi. Điểm thứ ba là phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…”.   

Tại Hội nghị, các tham thuận, thảo luận đều khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu mà thế giới đang tích cực triển khai và Việt Nam không thể đứng ngoài, trong đó có công tác thông tin đối ngoại. Đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng Ban Đối ngoại (VOV5) khẳng định, từ nhiều năm trước, Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về sự cần thiết cũng như lợi ích to lớn của chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho công tác truyền thông, thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó có thông tin đối ngoại. Ông Nguyễn Tiến Long chia sẻ: “Đài Tiếng nói Việt Nam hiện là một trong những cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện, hiện đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng, trong số hóa toàn bộ các quy trình và tài nguyên của Đài TNVN cũng như quản trị nội bộ. Chuyển đổi số đem lại rất nhiều lợi ích từ sản phẩm nội dung số, quảng cáo số, thương mại điện tử, chống nạn tin giả. Nhờ chuyển đổi số, các phóng viên, biên tập viên Đài TNVN của các loại hình báo chí có thể làm được nhiều điều mà trước đây không thể như phỏng vấn từ xa tới những nơi không thể tiếp cận hiện trường do thiên tai, xung đột nhưng vẫn có sản phẩm sinh động, hấp dẫn tới công chúng”.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Lê Hải Bình nhấn mạnh, các ý kiến tại Hội nghị cho thấy cần đổi mới tư duy chuyển đổi số để triển khai công tác thông tin đối ngoại hiệu quả và phù hợp yêu cầu tình hình mới. Theo đó, cần chú trọng đầu tư vào việc tạo sản phẩm số về thông tin đối ngoại, đồng thời xây dựng các kênh phù hợp để lan tỏa những sản phẩm thông tin đối ngoại số hóa này.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác