(VOV5) Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam năm 1954 có sự góp công rất lớn của “đội xe thồ và nữ dân quân gánh bộ” của tỉnh Thanh Hóa. Bằng chiếc xe đạp cùng đôi quang gánh thô sơ, họ đã vượt hàng trăm cây số đường rừng giữa mưa bom bão đạn, dốc cao vực sâu, để đưa hàng ngàn tấn lương thực – thực phẩm, vũ khí, thuốc men… vào chiến trường Điện Biên Phủ. 60 năm đã trôi qua, rất nhiều người trong số họ không còn nữa, số còn lại cũng đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng những ký ức một thời hào hùng, tinh thần tất cả cho tiến tuyến của quân dân Thanh Hóa, như còn mãi.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Đầu năm 1954, khi Chính phủ Việt Nam ra lời hiệu triệu toàn dân tham gia vận tải lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa thành lập 8 đại đội, mỗi đại đội 100 người, trong đó có một đại đội nữ, với nhiệm vụ vận chuyển lương thực từ Thanh Hóa lên suối Rút (Hòa Bình) để từ đó qua Sơn La, lên Điện Biên. Ông Lê Đức Nghị, 85 tuổi, cán bộ phụ trách dạy học cho các đại đội, cho biết “Xe đạp thồ” được chế ra từ những chiếc xe đạp Saint te chien (Pháp) và Praha của (Tiệp Khắc) bằng cách buộc thêm vào tay lái một đoạn tre nhỏ, dài khoảng một mét, gọi là “tay ngai” để điều khiển xe, buộc vào trục yên xe một đoạn tre, cao hơn yên khoảng 50cm để cầm, vừa giữ thăng bằng xe, vừa đẩy xe đi. Để tăng độ cứng của khung xe, người ta hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ và buộc thêm vải để tăng độ bền của săm, lốp. Vì vậy, mỗi xe thồ có thể chở đến trên 300kg hàng hóa. Ông Nghị cho biết: Lúc đó chúng tôi thống nhất đặt ra mục tiêu cao nhất là “quân sự trên hết, tiền tuyến trước hết”. Tất cả những người được chọn đi đều hăng hái, phấn khởi bởi được phục vụ tiền tuyến.
|
Ông Trần Khôi bên bức ảnh chụp lúc lên đường. |
Ông Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội dân công xe thồ Thanh Hóa, nay đã 85 tuổi, cho biết ngày 7/2/1954, ông cùng các đồng đội xuất phát từ Phố Bôn, xã Đông Tiến (huyện Đông Sơn) lên xã Xuân Lập (huyện Thọ Xuân) nhận gạo. Mỗi người lúc đó chỉ vận chuyển 50kg gạo vì chưa biết đường đi sẽ như thế nào: Con đường đi rất nhiều đèo dốc, suối… Lúc đó lực lượng Thanh niên xung phong đã làm những tấm phên bằng trẻ, nứa, luồng để giúp chúng tôi thồ gạo được thuận lợi. Sau đó chúng tôi phát động phong trào thi đua năng xuất, phải thồ nhiều gạo hơn nữa ra tiền tuyến để bộ đội có gạo ăn mà đánh giặc. Dần dần năng xuất vận chuyển của anh em lên tới 100kg… Kỷ lục đơn vị của tôi là Chiến sỹ Nguyễn Văn Đăng thồ gần 2 tạ liên tục.
|
Ông Trâgn Khôi mặc áo đen, đứng giữa hàng trên |
Ngày ấy, những đại đội xe thồ chỉ đi vào ban đêm, ban ngày nghỉ và học tập. Trời tối thì dùng đuốc để soi đường và lợi dùng pháo sáng của máy bay Pháp thả xuống để đi. Ông Khôi chia sẻ trong quá trình tải lương, gặp nhiều khó khăn nên cán bộ, chiến sỹ nghĩ ra nhiều ý tưởng sáng tạo rất hay. Đầu tiên phải kể đến “nhóm tam tam hoặc nhóm 4 người” - Nhóm gồm có 3 xe thồ đi cùng với nhau nhằm giúp đỡ khi có sự cố dọc đường. Mỗi khi xe lên dốc, 2 xe còn lại tấp vào lề đường, một người dùng dây thừng buộc vào cổ xe kéo đi trước, một người đẩy từ phía sau, người còn lại điều khiển xe. Cứ thế giúp cả nhóm xe vượt đèo núi. Ông Trần Khôi cho biết vất vả nhất là khi xuống dốc, một người phải cầm đuôi xe kéo lại, một người giữ tay lại để giảm tốc độ và người ở giữa vừa điều khiển xe, vừa lấy dép cao su của mình ần vào bánh xe để làm phanh: Trong khi đi như vậy, nhiều anh em chân tứa máu vì phải lấy dép cao su ra làm phanh. Tay thì rộp hết da và mọng nước… phải băng lại vì đi máu ra nhiều nhưng sau khi băng lại, chúng tôi vẫn túm tay ngai, cọc thồ để lên đường. Vai của người chiến sỹ thì chai sạn vì vết hằn của cọc thồ. Mặt anh em thì xanh xao vì sốt rét rừng nhưng chúng tôi luôn khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đó hàng trăm đoàn đi nên không khí vui vẻ, quyết tâm lắm. Chúng tôi vừa thồ hàng vừa hát “Đèo cao thì mặc đèo cao. Tình thần tiếp vận còn cao hơn đèo.
|
Bà Khuê |
Trong đoàn quân vận chuyển gạo ra tiền tuyến ngày ấy, còn có những nữ dân công gánh bộ. Với 20kg gạo trên vai, những người con gái xứ Thanh cũng không hề thua kém đàn ông khi gánh bộ vượt hơn 500 km xuyên rừng, lội suối, trèo đèo, đi từ huyện miền núi của Thanh Hóa đến tận trận địa Điện Biên Phủ. Bà Lê Thị Miên, một chiến sỹ gánh bộ, năm nay đã 93 tuổi, cho biết ngày ấy, bà vừa gánh hàng vừa làm nhiệm vụ tiền trạm, là người đấu nối nhận, giao hàng. Trên đường đi, khi có chị em nào mệt hay bị thương, thì san gạo sang người khỏe để gánh hộ. Em gái bà Miên là bà Lê Thị Khuê, hiện đã 87 tuổi, Tiểu Đoàn phó phụ trách đại đội dân công gánh bộ ( hơn 150 người), cho biết dù hành quân ban đêm nhưng họ dặn nhau không được để rơi một hạt gạo nào, bởi tiền tuyến không có gạo ăn thì không thể chiến thắng được. Bà Khuê nói: Lúc đó chúng tôi không hề nghĩ đến việc hy sinh, vất vả. Lúc đó tôi chỉ động viên chị em là đã quyết tâm lên đường, xung phong để làm nhiệm vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù gian khổ như thế nào cũng khắc phục được. Lúc đầu đi gánh, vai chúng tôi đau nhừ, dần dân quen rồi thì đi bình thường… Từ đó vừa đi vừa hát, vừa cười nói. Con đường bé nhưng đoàn người đi hai bên như nước chảy. Điều đó giúp tinh thần chúng tôi thêm phấn khởi.”
|
Ông Nghi bên những kỷ vật giữ gìn gần 60 năm |
Với những chiếc xe đạp thồ thô sơ, những đôi quang gánh, các “anh thồ, chị gánh” cách đây 60 năm, đã đưa lương thực xuyên rừng, vượt núi… góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam và chiến tranh thế giới. Họ thể hiện tinh thần yêu nước của người dân Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung, trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc./.