Thương nhớ lắm đồng đội ơi

(VOV5)- Câu chuyện của chiến sĩ Điện Biên Lê Văn Huỳnh – 85 tuổi.  Nguyên Trung đội phó Đại đội 241, Tiểu đoàn 387, người  trực tiếp nhận lệnh của chính trị viên Đại đội Hồ Phương,  dẫn anh em sang làm nhiệm vụ mai táng tử sỹ đại đội 78 hy sinh trong trận chiến đấu sáng ngày 28 tháng 3 năm 1954 tại cánh đồng Pe Luông, Mường Thanh, Điện Biên Phủ.

Thương nhớ lắm đồng đội ơi - ảnh 1
Bộ đội cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu


Rạng sáng ngày 28/3/1954 (24 tháng 2 năm Giáp Ngọ), lòng chảo Điện Biên đặc quánh sương mù. Cái lạnh của mùa xuân nơi núi rừng Tây Bắc cứ luồn sâu qua lớp áo trấn thủ khoác trên người chúng tôi. Cái khoảnh khắc yên tĩnh hiếm hoi đến kỳ lạ của mặt trận làm chúng tôi nhìn nhau.

Vvà dự cảm ấy của chúng tôi đã hoàn toàn chính xác. Quân địch nổ súng.

Chúng tôi những người lính pháo phòng không đại đội 241 tiểu đoàn 387 trực thuộc Đại đoàn 308 đang đóng quân tại khe Hồng Lếch – phía Tây cánh đồng Mương Thanh Điện Biên Phủ - đã nghe tiếng pháo 105 ly, 155 ly và cối 120 nổ cấp tập vào phía Pe Luông sát cạnh sân bay Mường Thanh, nơi trận địa pháo đại đội 78 – người anh em cùng tiểu đoàn 387, đại đoàn 308 với chúng tôi- đang chiếm giữ để khống chế sự hoạt động của máy bay địch và yểm trợ cho bộ binh ta tiến công.

Tiểu đoàn 387 và nhất là đại đội 78 đã làm chỉ huy Pháp mất ăn mất ngủ vì máy bay của chúng không thể hạ thấp độ cao để thả dù tiếp tế cho Trung tâm Mường Thanh. Bị khống chế nên máy bay thả dù tiếp tế cho quân Pháp tại trung tâm Mường Thanh phải nâng độ cao thì hầu như tất cả đều rơi xuống khu vực quân ta chiếm giữ. Đại đội 7 không khác gì cái gai cắm vào mắt địch vì thế chúng kiên quyết phải tiêu diệt bằng được lực lượng của ta.

Tiếng đạn pháo nổ không ngớt, chúng tôi nhìn nhau, ai cũng lo lắng cho các đồng đội đang ở đó. Sau hơn một tiếng đánh ta bằng đạn pháo quân địch lại dùng máy bay liên tiếp oanh tạc vào Pe Luông. Tiếng bom nổ như tiếng sấm rền không ngớt.

Đường dây thông tin bị đứt, mọi tin tức về đại đội 78 đều im lặng, chỉ có tiếng bom nổ dội về. Chúng tôi ai cũng nóng lòng muốn được chi viện cho các đồng đội ở Pe Luông. Nhiều người nước mắt nhạt nhòa tay nắm chặt súng hướng cả về phía Pe Luông, chỉ cần chờ có lệnh là vọt tiến.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ nghe tiếng đạn pháo và bom nổ, chúng tôi lại nghe tiếng súng bộ binh của địch từ Pe Luông vọng về. Hơn bảy giờ sáng rồi mà sương mù vẫn còn chưa tan. Tiếng súng bộ binh địch nổ cứ như nghẹn lại trong cái bầu không khí đặc quánh sương mai ấy. Chúng tôi nhìn nhau nín thở đợi chờ rồi tất cả cùng à lên khi nghe rõ tiếng 12 ly 7 nổ đều đều. Tiếng 12 ly 7 còn nghĩa là trận địa của ta còn, đồng đội của chúng tôi còn. Pe Luông còn đứng vững. Đại đội 78 còn chiến đấu vững vàng.

 Chúng tôi ai cũng muốn được lao đến sát cánh cùng đồng đội đánh địch bởi quân dân ta chỉ có ba chục chiến sỹ, vũ khí chủ yếu là để bắn máy bay chứ đâu phải để chiến đấu với bộ binh địch, anh em lại vừa trải qua các cuộc tấn công của địch bằng bom và đạn pháp. Trong cuộc đấu không cân sức ấy, lực lượng ta không thể không bị tổn thất.

Tiếng súng của ta nổ cầm chừng, khi thì rộ lên, khi thì tắt lịm. Tiếng xe tăng địch rú gầm điên loạn. Súng của ta lại nổ nhưng cứ thưa dần thưa dần rồi không vang lên nữa. Tiếng xe tăng gầm rú ghê rợn như đang nghiền nát trái tim chúng tôi. Các đồng chí ấy đã hy sinh hết cả rồi sao? Không ai bảo ai anh em chúng tôi bỏ mũ lặng lẽ cúi đầu...

Có tiếng ai đó bật khóc. Pe Luông yên lặng không một tiếng súng. Sương tan dần, lòng chảo Điện Biên hiện dần trong ánh nắng yếu ớt. Có tiếng máy bay địch từ xa vọng về. Pe Luông hoàn toàn im lặng.

Bốn giờ chiều, sương mù đã phủ khắp mặt trận. Tôi được đồng chí Hồ Phương – Chính trị viên đại đội 241 (nay là Thiếu tướng Hồ Phương – nhà văn quân đội) giao nhiệm vụ dẫn một trung đội sang Pe Luông để khắc phục hậu quả trận chiến đấu của đại đội 78. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm công tác thương binh, tử sỹ, trang bị mang theo là cuốc xẻng, băng bông, cáng thương, những mảnh vải dù thu được của địch được cắt vuông vắn để làm vải liệm các đồng đội đã hy sinh.

Hơn ba mươi anh em chúng tôi lặng lẽ bám nhau theo đường hào trục nhằm hướng Pe Luông đi tới. Càng gần đến trận địa đại đội 78 chốt giữ thì càng nhiều đoạn hào trục bị bom và đạn pháo của địch cày phá tan hoang, chúng tôi phải vọt lên mặt đất để đi. Dưới ánh sáng đèn dù chúng tôi nhìn rõ vết xích xe tăng địch quần nát nhừ những gì cản bước chúng tiến vào trận địa ta.

Đêm bỗng nhiên im lặng quá hay vì tai chúng tôi không còn có thể nghe thấy gì nữa khi tất cả tâm trí chỉ dành vào việc tìm các đồng đội đã hy sinh. Một cảnh tượng rùng rợn hiện ra trước mắt chúng tôi. Tất cả các ụ súng đều bị xe tăng nghiền nát. Hào giao thông bị cày xới. Nhiều chiến sỹ bi xe tăng địch nghiền nát không còn hình hài nguyên vẹn, máu thấm đen mặt đất. Không gian khét lẹt mùi thuốc súng, mùi máu và mùi thi thể bị đốt cháy. Vẫn biết chiến tranh là tàn khốc nhưng những cảnh tượng diễn ra trước mắt chúng tôi rùng rợn quá. Trong trận đánh không cân sức giữa ba mươi chiến sỹ pháo phòng không của ta với đại bác, xe tăng và cả tiểu đoàn bộ binh thì quân ta khó lòng chiến thắng được. Nhìn cảnh chiến trường cũng đủ hình dung ra trận đánh đó quyết liệt đến nhường nào.

 Tim chúng tôi nghẹn lại, lòng căm thù quân địch hừng hực trong mỗi chúng tôi, tình thương đồng chí đồng đội đến cháy bỏng. Chúng tôi phân công thành ba nhóm. Nhóm một lo đào và lấp huyệt, nhóm hai lo tìm và vận chuyển các di hài liệt lỹ đến nơi mai táng, nhóm ba thực hiện việc quy tập và phân chia di hài các liệt sỹ cho đủ theo quân số đã hy sinh. Tôi khẽ cất tiếng gọi mặc dù vẫn biết rằng địch ở cách đấy không xa: “Các đồng chí ơi! Có ai còn sống không?”. Nhiều tiếng nức nở tắc nghẹn lại.

Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ tựa lưng vào một vách hào, đầu gục xuống, ngực bê bết máu. có lẽ lũ giặc không dám động đến thi thể anh vì chúng thấy khí phách hiên ngang của người chỉ huy khi đã hy sinh nhưng vẫn còn dũng mãnh quá.

Chính trị viên Ngô Hạnh Phúc nằm trong lòng hào, đầu quấn băng, tay vắt trán như đang ngủ, chắc rằng anh đã đi trong vòng tay của đồng đội từ khi trận đánh bắt đầu ác liệt. Có đồng chí chỉ còn một nửa thân mình nhưng bàn tay vẫn nắm chặt chiếc xẻng. Có đồng chí hai tay nắm chiếc cờ-lê khó chặt vào cổ một tên địch. Chúng tôi hiểu rằng các đồng chí C78 dã bắn đến viên đạn cuối cùng và cuộc chiến đấu giáp lá cà với quân địch đã diễn ra. Cả kíp trực có 30 người, hy sinh 27 người, còn lại ba đồng chí bị thương nặng nằm trong ngách hầm tránh pháo bên đưới thi thể những đồng chí đã hy sinh, đó là đồng chí Duyên y tá, đồng chí Sự pháo thủ và một đồng chí nữa tôi không còn nhớ tên. Chúng tôi băng bó rồi chuyển nhanh các đồng chí bị thương về hậu cứ.

Anh em chúng tôi thu gom những phần còn lại của thi thể các liệt sỹ rồi chia ra cho đủ quân số đã hy sinh. Mỗi đồng chí được gói gọn trong mảnh vải dù để đem mai táng. Chúng tôi đau đớn vô cùng nhưng biết làm sao bây giờ khi mà thi thể các anh đã tan nát trộn lẫn vào nhau, máu của các anh đã thấm đẫm đất Điện Biên này. Vừa làm, chúng tôi vừa khóc, nước mắt rơi trên phần máu thịt của đồng đội. Các đồng chí ơi, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng để giải phóng Điện Biên, để trả thù cho các đồng chí! 27 nấm mồ được đắp trong đêm dưới ánh đèn dù của địch. Không một nén hương, không một bông hoa, không một phát súng chào vĩnh biệt. Hẹn ngày chiến thắng Điện Biên, giải phóng đất nước chúng tôi và các đồng đội cùng đồng bào cả nước sẽ lo trọn vẹn mộ phần và khói hương cho các đồng chí. Mặc cho sự hiểm nguy rình rập, chúng tôi dàn hàng ngang đứng lặng cúi chào vĩnh biệt những người đồng đội thân yêu đã chiến đấu anh dũng và hy sinh thân mình cho đất nước.

Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trở về nơi tập kết khi trời vừa rạng đông. Nhìn xuống cánh đồng Mường Thanh sương mù vẫn phủ trắng xóa. Một dải mây trắng vắt ngang sườn dãy núi phía Tây, tôi bật khóc vì không ghìm nổi lòng mình, phải chăng non sông này, đất nước này đã để tang các anh – những người con thân yêu đã ngã xuống vì sự sống còn của đất nước, của dân tộc.

Những ngày tháng còn lại của chiến dịch Điện Biên Phủ, tấm gương chiến đấu hy sinh vô cùng anh dũng của các đồng chí đại đội 78 luôn thôi thúc chúng tôi quyết tâm chiến đấu để chiến thắng kẻ thù, trả thù cho các đồng chí đã hy sinh, giải phóng Điện Biên, dành lại độc lập tự do cho đất nước.

Thời khắc lịch sử - 17 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954 – quân dân ta giành chiến thắng, bắt sống tướng Đờ-cát–tơ-ri cùng toàn bộ cơ quan tham mưu, quân địch đã đầu hàng, giải phóng Điện Biên – đã làm chấn động địa cầu, làm náo nức lòng người tiến bộ trên toàn thế giới. Chúng tôi, những người lính Điện Biên, cùng nhảy lên khỏi chiến hào reo vang mừng chiến thắng. Bầu trời Điện Biên xanh hơn, cao hơn, ngập tràn tiếng hò reo như sấm dậy. Chúng tôi ôm lấy nhau vui mừng khôn tả, những giọt nước mắt sung sướng ướt nhòa trên khuôn mặt còn sạm đen khói súng, máu và bùn đất. Năm mơi lăm ngày đêm gian nan, vất vả, chiến đấu ác liệt, biết bao đồng chí đồng đội đã anh dũng hy sinh, biết bao mồ hôi và máu đã chảy để có được chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong niềm vui hân hoàn mừng thắng lợi, lòng chúng tôi lại khôn nguôi nhớ về những đồng đội đã hy sinh, nhớ về tinh thần chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng của các đồng chí đại đội 78 trên trận địa Pe Luông, tất cả đều reo hò mừng chiến thắng nhưng mắt ai cũng đỏ hoe vì thương nhớ đồng đồi đã không còn được chứng kiến ngày vui chiến thắng.

Điên Biên giải phóng, tiểu đoàn 387 đại đoàn 308 được về Thủ đô Hà Nội với một phiên hiệu mới và nhiệm vụ mới, đó là tiểu đoàn pháo phòng không 86 trung đoàn 250 sư đoàn 367 trong đội hình Quân chủng phòng không không quân để bảo vệ thủ đô, bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ. Trong suốt những năm dài chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ những người lính phòng không chúng tôi luôn phát huy tinh thần người chiến sỹ Điện Biên quyết tâm chiến đấu để bảo vệ bầu trời thủ đô, bầu trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tấm gương chiến đấu anh dũng đến hơi thở cuối cùng của đại đội trưởng Nguyễn Viết Quý và chính trị viên Ngô Hạnh Phúc cùng các chiến sỹ đại đội 78 luôn luôn in đậm trong tâm trí tôi, là động lực cho chúng tôi hăng hái chiến đấu và quyết tâm giành chiến thắng.

Một vinh dự to lớn đến với chúng tôi - những người lính tiểu đoàn 387, Đại đoàn 308 – ngày 30/1/2011, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời Kháng chiến chống Pháp” cho tiểu đoàn 387, Đại đoàn 308. Vinh dự to lớn này của đơn vị là có công lao đóng góp rất lớn của các đồng chí, đồng đội của chúng tôi đã chiến đấu dũng cảm hy sinh thân mình để giải phóng Điện Biên.

Gần 60 năm qua đi, năm nào cũng thế, cứ đến ngày 28/3 những người lính tiểu đoàn phòng không 387 Đại đoàn 308 chúng tôi cũng gặp nhau để ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa và tưởng nhớ về những đồng chí đồng dội đã chiến đấu dũng cảm hy sinh thân mình vì sự nghiệp Cách mạng của Tổ quốc.

Gần 60 năm qua đi, trong lòng tôi lúc nào cũng thương nhớ và không thể nào quên hình ảnh những đồng chí đại đội 78 cùng chiến đấu và hy sinh anh dũng trên trận địa Pe Luông – Điện Biên Phủ./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác