(VOV5) - Trong 19 năm tham gia Diễn đàn (từ tháng 11/1998), Việt Nam đã đóng góp tích cực vào hợp tác APEC.
Ngày 14/5, các cuộc họp liên quan trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM-2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tiếp tục diễn ra tại Hà Nội. Trong sáng nay, tại phiên khai mạc Đối thoại APEC về Đô thị hóa Bền vững do Nhóm Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hóa tổ chức, Thứ Trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Chủ tịch SOM, nhấn mạnh cùng với xu thế đô thị hóa và vai trò gia tăng của nó trong phát triển kinh tế xã hội là các vấn đề và thách thức to lớn đòi hỏi phải có sự thay đổi trong cách tiếp cận quản lý và phát triển đô thị. Đó là cần phải có các chiến lược và giải pháp đa ngành và liên kết để hỗ trợ cho quá trình quản lý đô thị, giải quyết vấn đề và thúc đẩy sáng tạo hướng tới phát triển bền vững. Thứ Trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ: “Tại Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững hôm nay, Việt Nam mong muốn thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia của các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế liên quan và đẩy mạnh hợp tác, tạo ra động lực mới cho quá trình đô thị hóa bền vững, phù hợp với các tiêu chí của các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên Hiệp Quốc".
Cũng trong sáng 14/5, Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) họp phiên toàn thể. Các quan chức cấp cao và các đại biểu APEC làm việc cả ngày với các cuộc họp của Nhóm Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI) với Hội thảo về Phụ nữ trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) và Hội thảo về nghiên cứu và công nghệ; Họp Nhóm điều phối về kinh tế mạng lần thứ 4 (AHSGIE); Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI); Đào tạo quản lý.
Trong 19 năm tham gia Diễn đàn (từ tháng 11/1998), Việt Nam đã đóng góp tích cực vào hợp tác APEC. Nổi bật là việc đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 với Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 thông qua Chương trình hành động Hà Nội về thực hiện Mục tiêu Bogor, các biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác APEC và đề ra triển vọng dài hạn, hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương ( FTAAP).