(VOV5) - Việt Nam đề xuất đưa ra Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng nhằm duy trì chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN.
ASEAN chủ động thích ứng, giảm thiểu rủi ro
|
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 đang diễn ra tại TP Đà Nẵng, sáng 11/3, các Bộ trưởng ASEAN tiếp tục thảo luận về phương hướng để các nước ASEAN thúc đẩy việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 tập trung vào các lĩnh vực: thương mại điện tử, thương mại hàng hóa, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo, v.v…Một cộng đồng gắn kết và phát triển sẽ nâng cao tính chủ động ứng phó, đối mặt với những rủi ro, thách thức từ các tác động bên ngoài. Việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước trong khu vực có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên Bộ Công Thương cho biết: "Năm nay, chúng ta cần phải đặt ra tiền đề cho việc rà soát lại toàn bộ những vấn đề cần ưu tiên cho việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN. Việt Nam đã đưa ra sáng kiến để ASEAN tăng cường thương mại nội khối. Sáng kiến này được các nước ASEAN quan tâm nhất và đánh giá cao".
Việc tại Hội nghị, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN thông qua 12/13 sáng kiến ưu tiên của Việt Nam là một kết quả quan trọng, khẳng định vai trò của ASEAN hướng tới củng cố khối đoàn kết khu vực, tăng cường sức mạnh nội khối, nâng cao vai trò của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Tất cả đi đúng vào thực chất, giúp cho ASEAN đạt được 3 mục tiêu quan trọng…
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN, cho rằng: Những sáng kiến Việt Nam đưa ra giúp ASEAN có những biện pháp và hành động tập thể để đạt được mục tiêu của mỗi nước và mục tiêu chung của ASEAN, tạo dựng những khung phù hợp, hiệu quả trong hợp tác với các đối tác khác trên thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, New Zeland, Australia, Canada…
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Tuyên bố chung lần này, các Bộ trưởng đều thống nhất là phải tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, trao đổi giữa các doanh nghiệp giữa các nước trong khối ASEAN với nhau thông qua việc ký kết các hiệp định, các thỏa thuận, công nhận về các tiêu chuẩn tương đương hoặc là các tiêu chuẩn sản phẩm…".
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 đề xuất đưa ra Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng nhằm duy trì chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN, chủ động thích ứng và giảm thiểu rủi ro.