Những sáng kiến của Việt Nam tạo sự kết nối chặt chẽ trong ASEAN

(VOV5) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn có thêm nhiều tập đoàn công nghệ của Singapore tìm hiểu và đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Chiều 13/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Singapore Catherine Wong, chào từ biệt, kết thúc tốt đẹp nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Những sáng kiến của Việt Nam tạo sự kết nối chặt chẽ trong ASEAN - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Singapore, bà Catherine Wong chào từ biệt. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng khẳng định Đại sứ  Catherine Wong đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy quan hệ hai bên trong 4 năm qua ngày càng toàn diện và hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về thành công lớn trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Song theo Thủ tướng, mức độ hợp tác này chưa tương xứng với tiềm năng.

Thủ tướng mong muốn hai bên đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng cũng mong muốn có thêm nhiều tập đoàn công nghệ của Singapore tìm hiểu và đầu tư tại thị trường Việt Nam, qua đó duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư của Singapore tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng mong muốn sẽ ngày càng có nhiều du học sinh Việt Nam sang học tại Singapore, qua đó giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Về phần mình, Đại sứ Catherine Wong chúc mừng Việt Nam đã thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 mặc dù phải đối mặt với COVID-19, Đại sứ cho rằng, những sáng kiến của Việt Nam đã góp phần tạo sự kết nối và hợp tác chặt chẽ trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đại sứ khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng của Singapore, Đại sứ cho biết, các nhà đầu tư Singapore đang tìm thêm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, thành phố thông minh, start up. Đây là những lĩnh vực phù hợp với ưu tiên phát triển của chính phủ Việt Nam.

Đối với vấn đề tự do hoá thương mại đa phương, Đại sứ đánh giá cao  hai hiệp định quan trọng mà Việt Nam đóng vai trò thúc đẩy việc ký kết là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình Dương (CPTPP) vào năm 2017 và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác