(VOV5) - Việt Nam vươn lên trở thành một trong những quốc gia tích cực đi đầu trong các hoạt động của Liên hợp quốc, có tiếng nói ngày càng quan trọng tại diễn đàn toàn cầu này.
Ngày 20/09/1977, cách đây 42 năm, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc (LHQ), một tổ chức toàn cầu lớn nhất thế giới. Trong chặng đường 42 năm qua, Việt Nam vươn lên trở thành một trong những quốc gia tích cực đi đầu trong các hoạt động của Liên hợp quốc, có tiếng nói ngày càng quan trọng tại diễn đàn toàn cầu này.
Ngày 5/10/2009, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. - Ảnh: Nguyễn Đình Thư/TTXVN |
Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc vào ngày 20/9/1977 đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ. Trong hơn bốn thập kỷ qua, Việt Nam và Liên hợp quốc đã luôn nỗ lực vun đắp, xây dựng mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp với những kết quả tích cực và nhiều tiềm năng phát triển.
Từ nước nhận hỗ trợ đến chủ động đóng góp trong các hoạt động của Liên hợp quốc
Những ngày đầu tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam nhận được sự trợ giúp đắc lực của tổ chức này để vượt qua những khó khăn sau chiến tranh cũng như thời kỳ bị bao vây, cấm vận. Vào những năm cuối thập kỷ 1970, đầu những năm thập kỷ 1980, ngoài nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa, viện trợ của Liên hợp quốc chiếm 60% tổng viện trợ cho Việt Nam.
Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Liên hợp quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam với nguồn vốn hàng trăm triệu USD mỗi năm cùng các hoạt động tư vấn chính sách, trợ giúp kỹ thuật, các chương trình, dự án hỗn hợp song phương, đa phương. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận và huy động được nguồn vốn quan trọng từ các nước tài trợ và các tổ chức tài chính quốc tế để thực hiện hành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Từ một quốc gia nhận viện trợ hoàn toàn, Việt Nam bắt đầu có những đóng góp tích cực vào hoạt động của Liên Hợp quốc. Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp quốc Ngô Quang Xuân nhớ lại: "Năm 1995, chúng tôi bắt đầu nghĩ tới việc tham gia các cơ chế lãnh đạo của Liên Hợp Quốc. Trong năm 1995, tức là khóa 50, tiếp theo là khóa 51 và 52, chúng tôi bắt đầu tăng tốc hoạt động trong Liên Hợp Quốc và tìm kiếm cơ hội tham gia các vị trí lãnh đạo của Liên Hợp Quốc. Khóa 52 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã thành công trong việc trở thành thành viên của Hội đồng Kinh tế-Xã hội LHQ, Việt Nam cũng trở thành phó chủ tịch lần đầu tiên tại Liên Hợp Quốc. Những sự kiện này đánh dấu bước rất mới trong hoạt động đa phương, Việt Nam đã tham gia vào các cơ chế lãnh đạo của Liên Hợp Quốc, cũng bắt đầu tham gia vào ban lãnh đạo trong các khu vực khác, các tổ chức quốc tế khác. Vì vậy, vị thế của Việt Nam bắt đầu thay đổi và trưởng thành".
Bước khởi đầu thuận lợi đó đã tạo tiền đề cho hàng loạt những thành công trong hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp quốc. Những kết quả phải kể đến, đó là: Việt Nam đã thực hiện 8 mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn 2015; là thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009 và nhiệm kỳ 2020 - 2021; Thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016...Việt Nam cũng tham gia đóng góp tích cực vào Sáng kiến Thống nhất hành động của Liên hợp quốc – Một Liên hợp quốc; Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Trung Phi và Nam Sudan…
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong chuyến tham dự Khóa họp 64 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) từ 23-26/92009. - Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Quốc tế đánh giá cao
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an coi trọng những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Bảo an và hoan nghênh vị thế ngày càng cao của Việt Nam. Dư luận quốc tế đánh giá Việt Nam luôn cố gắng đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Liên hợp quốc, cho rằng Việt Nam đã thể hiện mình là một bên đáng tin cậy khi đề cao các luật lệ quốc tế nói chung, ghi nhận những đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa xung đột trên thế giới.
Ngày 17/7/2008, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề 'Trẻ em và xung đột vũ trang." - Ảnh: Bùi Ngọc Hải/TTXVN |
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên Hợp quốc tại Việt Nam, đánh giá: "Nếu chúng ta nói về những kết quả trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thể tự hào khi đứng trong hàng ngũ đầu của Sáng kiến thống nhất hành động của Liên Hợp quốc - Một Liên Hợp quốc. Việt Nam luôn đi tiên phong trong giai đoạn đó. Tôi hi vọng điều này sẽ được duy trì và tạo động lực cho nhiều hoạt động sau này. Ngoài ra một lĩnh vực đóng góp khác của Việt Nam mà tôi rất ủng hộ đó là việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Tôi nghĩ một đất nước với 35 năm chịu ảnh hưởng của chiến tranh như Việt Nam mà có được những cống hiến như vậy là một đóng góp mang tính biểu tượng cho cộng đồng quốc tế".
Với định hướng Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục chủ động có những đóng góp cho các sứ mệnh quốc tế của Liên hợp quốc. Đặc biệt, với vai trò là thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam sẽ sát cánh cùng các nước thành viên thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị, bảo đảm lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia.