(VOV5) - Ai Cập đang trải qua thời khắc quan trọng khi chỉ còn chưa đầy 24 giờ nữa, người giành được số phiếu cao nhất trong cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Sau hơn 3 năm kể từ khi lật đổ chế độ độc tài của cựu Tổng thống Hosni Mubarack, điều mà cử tri quốc gia Bắc Phi này mong muốn là an ninh ổn định, đời sống được cải thiện và giảm tỉ lệ nghèo đói, thất nghiệp đang ở mức báo động. Song, sự phân cực sâu sắc trong xã hội, mâu thuẫn phe phái vẫn đang cản trở sự phát triển của quốc gia Bắc Phi này.
|
Ông Abdel Fattah al-Sisi. (Nguồn: AFP) |
Cuộc bầu cử diễn ra trong 2 ngày 26 và 27 với sự tham dự của gần 54 triệu cử tri. Dự kiến, kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ được công bố vào ngày 5/6.
Theo các nhà quan sát, dù chưa có kết quả chính thức nhưng nhiều khả năng cựu Tư lệnh quân đội, Bộ trưởng quốc phòng Abdel Fattah al-Sisi sẽ giành chiến thắng với tỷ lệ cách biệt lớn trước đối thủ duy nhất là chính trị gia cánh tả Hamdeen Sabahi, Trước đó, ông Abdel Fattah al-Sisi đã giành được 94% phiếu ủng hộ của cử tri Ai Cập đang sinh sống ở nước ngoài trong cuộc bầu cử sớm.
Cựu bộ trưởng Abdel Fattah al-Sisi là người đã lãnh đạo quân đội Ai Cập đảo chính lật đổ cựu tổng thống Mohamed Morsi hồi tháng 7/2013. Ông đã từ chức tư lệnh quân độ để ra tranh cử lần này. Cựu tướng Abdel Fattah al-Sisi cam kết sẽ đặt trọng tâm phát triển nông nghiệp, nhà ở, giáo dục, các vùng còn nghèo khó và việc làm nếu đắc cử.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu đắc cử, ông Abdel Fattah al-Sisi sẽ phải gánh trên vai những trách nhiệm hết sức nặng nề. Thách thức lớn nhất mà ông Abdel Fattah al-Sisi là khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu việc làm cũng như cải thiện đời sống người dân. Bên cạnh đó, sự phản kháng mạnh mẽ của các thành viên Tổ chức anh em Hồi giáo, sự gia tăng hoạt động của các chiến binh Hồi giáo cực đoan cũng là những yếu tố cản trở tiến trình cải cách tại quốc gia này.
Hai nhiệm vụ khó khăn
Sau 3 năm bất ổn, thâm hụt ngân sách của Ai Cập đã chiếm 14% GDP trong khi nợ công cũng tăng lên mức hơn 100% GDP. Chính phủ phải tiếp tục vay nợ trong nước để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 2%/năm. Bất ổn chính trị trong nước khiến sụt giảm nguồn thu ngoại tệ từ du lịch và đầu tư nước ngoài và điều này cũng khiến đồng nội tệ mất giá. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi thu nhập bình quân đầu người không được cải thiện.
Hiện hơn 1/4 dân số Ai Cập đang sống dưới ngưỡng nghèo đói với mức thu nhập 2 USD/ngày, đồng thời 1/4 dân số khác sống cách ngưỡng này không xa. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp chung hiện ở mức 13,4%. Điều đáng nói là 70% người thất nghiệp trong độ tuổi lao động sung sức từ 15-29 và hơn 80% người thất nghiệp có trình độ học vấn cao.
Kể từ tháng 1/2011, Ai Cập đã ba lần cố gắng đàm phán vay nợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm ổn định kinh tế, song đều buộc phải ngừng giữa chừng bởi đi kèm theo các điều khoản vay nợ là các cam kết cải cách hết sức ngặt nghèo và điều này dễ ảnh hưởng đến tình hình chính trị-xã hội trong nước vốn đã rất mong manh. Tuy nhiên, với lần này, trong bối cảnh bức tranh kinh tế vĩ mô của Ai Cập đang rất ảm đạm, chắc chắn Tân tổng thống sẽ không thể có con đường lựa chọn nào khác là phải tìm đến IMF, chấp nhận các điều kiện áp đặt cùng những “cái giá phải trả” về mặt xã hội. Làm thế nào để tái cân bằng kinh tế vĩ mô, áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng song không gây ra tình trạng bất ổn trên đường phố là bài toán hiện chưa có lời giải đối với Tổng thống sắp đắc cử.
Tiếp tục sự phân cực xã hội
Trong khi nhiều người dân bỏ phiếu cho cựu bộ trưởng Abdel Fattah al-Sisi với hy vọng một nhà lãnh đạo thân quân đội làm Tổng thống sẽ đủ năng lực để chèo lái đất nước thì Tổ chức Anh em Hồi giáo, một tổ chức đóng vai trò quan trọng trong chính trường Ai Cập suốt nhiều năm qua, đã phản kháng dữ dội.
Ngay trước thềm bầu cử, Tổ chức Anh em Hồi giáo tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử này vì lo sợ nếu ông Abdel Fattah al-Sisi đắc cử sẽ mạnh tay đàn áp khi trước đó chính quyền lâm thời Ai Cập đã coi tổ chức này là “khủng bố”. Lo ngại này càng trở thành hiện thực khi chính ông Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ không có cơ hội quay lại chính trường nếu ông trúng cử Tổng thống. Một bộ phận dân chúng khác ủng hộ ứng viên Hamdeen Sabbahi cũng đang góp phần đẩy mâu thuẫn xã hội lên cao khi họ cho rằng nếu ông Abdel Fattah al-Sisi đắc cử sẽ bóp nghẹt các quyền dân chủ.
Từ những diễn biến trên, dư luận cho rằng nếu đắc cử Tổng thống, ông Abdel Fattah al-Sisi chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Dù kết quả bầu cử phản ánh sự lựa chọn tự do của người Ai Cập, nhưng tiến trình cải cách thành công của đất nước Kim Tự Tháp sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian nữa./.