Bế tắc chính trị tại Ai Cập trước cơ hội được khai thông

(VOV5) - Ngày 25/8, Đảng Salafist Nour, đảng Hồi giáo lớn thứ 2 ở Ai Cập, tuyên bố sẽ tham gia Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này đang chìm trong xung đột thì tuyên bố của Đảng Salafist Nour cùng với một số diễn biến khả quan khác trên chính trường đang đem đến tia hy vọng hiếm hoi trong việc thúc đẩy lộ trình chuyển tiếp do quân đội khởi xướng. Liệu Ai Cập có thể tận dụng những cơ hội này hay không?


Bế tắc chính trị tại Ai Cập trước cơ hội được khai thông - ảnh 1
Một cuộc biểu tình ở Ai Cập. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)


Từng nhiều lần đe dọa rút khỏi lộ trình chính trị do quân đội đề ra sau khi một số điều khoản liên quan đến Luật Hồi giáo Sharia bị kiến nghị hủy bỏ nên việc Đảng Salafist Nour tuyên bố sẽ tham gia Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã gây bất ngờ đối với dư luận. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Đảng Anh em Hồi giáo Ai Cập, lực lượng Hồi giáo lớn nhất ở đất nước này, phản đối quyết liệt chính phủ lâm thời cùng quân đội bằng việc phát động phong trào biểu tình lớn chưa từng có. Lý giải cho quyết định này, đại diện Đảng Salafist Nour cho biết một trong những mục đích tham gia Ủy ban sửa đổi Hiến pháp là nhằm bảo vệ bản sắc Hồi giáo.

Nhiều nhà phân tích hy vọng động thái của Đảng Salafist Nour sẽ góp phần thúc đẩy lộ trình chuyển tiếp do quân đội khởi xướng hôm 3/7 sau khi lật đổ ông Morsi. Trong lộ trình này, Ai Cập sẽ sửa đổi Hiến pháp năm 2012, tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống.

Trong khi đó, làn sóng biểu tình do Đảng Anh em Hồi giáo phát động đang có dấu hiệu đuối sức khi không thu hút được sự chú ý của người dân như trước. Đơn cử như tại thủ đô Cairo, chỉ có khoảng 300 người biểu tình tập trung tại một quảng trường nhỏ ở quận Maadi, gần trụ sở Tòa án Hiến pháp tối cao ở phía nam Cairo. Một số cuộc biểu tình do Tổ chức Anh em Hồi giáo phát động cũng được ghi nhận tại một số địa phương nhưng với quy mô nhỏ. Tuy nhiên tất cả các cuộc biểu tình nói trên đều không dẫn tới bất kỳ hành động đụng độ nào với lực lượng an ninh hay dân cư địa phương. Nếu so với trước đây, dễ dàng nhận thấy lượng người tham gia các cuộc biểu tình do Đảng Anh em Hồi giáo phát động đã sụt giảm rất mạnh.

 Trước những tín hiệu khả quan trên, ông Ahmed El-Meslemani, Cố vấn truyền thông của Tổng thống lâm thời Ai Cập, khẳng định quốc gia Bắc Phi này đã vượt qua âm mưu lật đổ nhà nước và hiện đang tiến hành chiến dịch chống lại các phần tử quá khích trong tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và các lực lượng Hồi giáo đồng minh. Cố vấn truyền thông cũng tiết lộ Chính phủ đang có các cuộc tiếp xúc và thảo luận với các lực lượng chính trị trong nước, trong đó có Đảng Salafist Nour, đồng thời khẳng định lộ trình chế độ chính trị chuyển tiếp do quân đội chi phối hiện đang đi đúng hướng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ lâm thời Ai Cập đã quyết định rút ngắn lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Tuy quan chức Ai Cập tuyên bố khả quan như vậy nhưng giới phân tích chưa vội mừng. Dư luận lo ngại rằng việc bắt giữ các thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo có thể khiến tổ chức này liên kết với những phần tử Hồi giáo cực đoan của nước ngoài trong nỗ lực giành lại quyền lực. Hơn nữa, việc cựu Tổng thống Hosni Mubarak được Toà án tuyên bố trả tự do cũng là nguyên nhân có thể làm tình hình thêm phức tạp. Trong khi đó, Chính phủ lâm thời lại đang chịu sức ép phải đối diện với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của Ai Cập, đã quyết định ngừng bán thiết bị an ninh và vũ khí cho Ai Cập. Hoa Kỳ tuyên bố xem xét lại các nguồn quỹ cho quốc gia này. Những lo ngại của dư luận cũng được Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem El-Beblawi nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình ABC News, rằng đất nước sẽ phải đối mặt với một số vấn đề rất khó khăn.

Xem ra, nếu Chính phủ lâm thời ở Ai Cập không giải quyết triệt để căn nguyên của xung đột và tận dụng tốt những lợi thế đang có thì mong ước của người dân đất nước Bắc Phi về nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển vẫn mãi xa vời./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác