(VOV5) - Đây là các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác.
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) và các Hội nghị liên quan sẽ diễn ra từ ngày mai (4/8) đến ngày 8/8. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự các Hội nghị, tiếp tục phương châm chủ động, tích cực, kiên trì lập trường, linh hoạt và khéo léo xử lý những vấn đề phức tạp trên cơ sở bảo đảm đoàn kết, đồng thuận ASEAN và phù hợp lợi ích của Việt Nam, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế và vai trò của Việt Nam trong ASEAN, tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. (Nguồn: THX/TTXVN)
|
Đây là các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác. Các Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Sự điều chỉnh chính sách mạnh mé dẫn đến sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống với các điểm nóng trong khu vực đòi hỏi các nước cần hợp tác chặt chẽ để cùng ứng phó.
Sức sống ASEAN sau 5 thập kỷ hình thành
AMM-50 và các Hội nghị liên quan diễn ra vào đúng thời điểm Kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN (8/8/1967-8/82017) và bước vào năm thứ 2 thành lập Cộng đồng. Ý thức được bề dày lịch sử của mình, ASEAN tiếp tục tiến trình xây dựng Cộng đồng, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực.
50 năm qua, từ một tổ chức khu vực, ASEAN đã trở thành Cộng đồng và có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế của khu vực Châu Á cũng như trên thế giới. Các đối tác đối thoại ngày càng coi trọng và chủ động thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với ASEAN thông qua nhiều chương trình, sáng kiến và biện pháp cụ thể.
Các đối tác lớn trong và ngoài khu vực đều ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, đồng thời luôn nhấn mạnh ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng. Ông Hirotoshi Ito, Phó giám đốc phụ trách ASEAN của tổ chức JETRO (Nhật Bản) cho biết doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng cường đầu tư vào ASEAN từ sau khi ASEAN hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới: ASEAN là đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở các nước ASEAN, chiếm khoảng 50% tổng số các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong thời gian tới. Không chỉ về thương mại, Nhật Bản ngày càng hợp tác sâu rộng và chặt chẽ hơn với ASEAN.
|
Vai trò an ninh khu vực của ASEAN cũng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ có sự công nhận của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của các đối tác đối thoại. Các cơ chế do ASEAN lãnh đạo đã được hình thành nhằm thúc đẩy đối thoại khu vực, xây dựng lòng tin và quan hệ đối tác.
Gần đây, ASEAN thể hiện rõ trách nhiệm hơn trong vấn đề Biển Đông, an ninh trên bán đảo Triều Tiên. ASEAN luôn quan tâm và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, trong đó có việc thúc đẩy thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và cùng Trung Quốc hướng tới sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam cùng ASEAN củng cố đoàn kết nội khối
Trong năm 2017, ASEAN đã và đang đẩy mạnh việc triển khai các kế hoạch hành động, các biện pháp ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và dựa trên sáng tạo, đặc biệt các hoạt động hướng tới người dân. Với việc nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm, các nước ASEAN tái khẳng định quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có cuộc sống chất lượng hơn về nhiều mặt, từ kinh tế, văn hóa, cho tới an ninh, trật tự xã hội, nhằm hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội phát triển hướng tới sự thịnh vượng chung của khối và khu vực, ASEAN cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng: Khoảng cách phát triển trong từng nước ASEAN vẫn còn rất lớn. Ví dụ thu nhập bình quân đầu người của nước giầu nhất trong ASEAN cao hơn gấp 43 lần thu nhập bình quân đầu người của nước nghèo nhất. Và đây là thách thức lớn nhất của ASEAN trong nỗ lực xây dựng cộng đồng phát triển bao trùm.
Ngoài ra, ASEAN tiếp tục chính sách dựa trên chủ nghĩa khu vực mở, ủng hộ toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại song trên thế giới xu hướng chống toàn cầu hoá, bảo hộ mậu dịch lại đang nổi lên, đặc biệt xuất hiện tại các nước kinh tế lớn đối tác ASEAN. Đây cũng là tháh thưc không nhỏ đối với ASEAN trong chặng đường sắp tới.
Sau 50 năm hình thành và phát triển ASEAN, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN không phải là điểm đến cuối cùng mà là khởi đầu cho một hành trình mới. Với vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN, xuất phát từ lợi ích trực tiếp trong ASEAN, tham dự AMM-50 và các hội nghị liên quan lần này, Việt Nam tiếp tục đóng góp duy trì đoàn kết trong ASEAN, nâng cao vị thế của ASEAN, phát huy vai trò trung tâm, đẩy mạnh quan hệ thực chất giữa ASEAN với các đối tác. Qua đó cũng nhằm tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước.