Bảo đảm an toàn thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử

(VOV5) - Việc tích cực đẩy mạnh quá trình này sẽ góp phần xây dựng chính phủ điện tử thành công, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp

Hệ thống Chia sẻ và Giám sát thông tin phục vụ Chính phủ điện tử vừa được đưa vào hoạt động cuối tháng 11, là một trong những nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam đã có nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân bị tấn công mạng khi tham gia các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử,…

Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử được các thành viên trong Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng gồm Viettel, VNPT, CMC, FPT, BKAV, cùng phối hợp xây dựng. Hệ thống sẽ giúp giám sát, phân tích, chia sẻ thông tin và  đưa ra cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử.

Bảo đảm an toàn thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử - ảnh 1Lễ ra mắt hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử. Ảnh TTXVN

Bảo đảm an toàn thông tin: điều kiện tiên quyết để phát triển chính phủ điện tử

Trong xây dựng chính phủ điện tử, công nghệ là 1 trong 4 trụ cột (con người, thể chế/quy trình, công nghệ và nguồn lực), được Chính phủ tập trung đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạng tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho công nghệ thông tin.

Trong việc triển khai Chính phủ điện tử, yêu cầu bảo mật và an toàn thông tin là yếu tố rất quan trọng. Đây là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn để công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của một cơ quan, tổ chức không nằm ở việc cơ quan, tổ chức đó có bị tấn công hay không, mà nằm ở cách thức cơ quan, tổ chức đó phản ứng như thế nào sau khi bị tấn công. Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: "Chúng tôi thấy mình cần phải cẩn thận hơn, không chủ quan. Cũng phải công nhận một điều rằng sau khi chúng ta đã triển khai trên diện rộng, ý thức của người dân nâng lên, quan tâm hơn đến an toàn thông tin,…"

Sự chủ động

Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử đòi hỏi phải có sự chủ động. Trong mọi dự án công nghệ thông tin đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng. Ngoài Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử vừa đưa vào hoạt động, Việt Nam cũng đang chủ động triển khai nhiều dự án khác trong thời tới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, nhấn mạnh: "Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp tiên phong nhằm phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Doanh nghiệp có thế mạnh về giải pháp nào sẽ được giao để tập trung phát triển sâu, chuyên nghiệp về giải pháp đó, được ưu tiên và khuyến nghị sử dụng. Cùng với đó, một Liên minh cũng sẽ được thành lập nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm có sự liên thông, kết nối. Liên minh doanh nghiệp này cũng cam kết sử dụng sản phẩm của nhau để cung cấp một giải pháp tổng thể cho khách hàng."

Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin (đặc biệt là thông tin cá nhân và quyền riêng tư khi tham gia giao dịch trên môi trường điện tử nói chung, môi trường Internet nói riêng) là một trong những yếu tố tiên quyết cho thành công của Chính phủ điện tử. Việc tích cực đẩy mạnh quá trình này sẽ góp phần xây dựng chính phủ điện tử thành công, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác