(VOV5) - Phúc lợi xã hội luôn là vấn đề người lao động quan tâm. Phúc lợi tốt đồng nghĩa với cuộc sống của công nhân được đảm bảo.
Trong buổi đối thoại với công nhân lao động ngày 12/6, tại tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu lý tưởng mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đặt ra là chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, làm cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Việt Nam cũng ghi nhận quyền con người xuyên suốt từ Hiến pháp 1946 đến nay, xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, trong đó có giai cấp công nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi đối thoại với công nhân lao động ngày 12/6, tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VOV |
Chương trình gặp gỡ, đối thoại có sự tham gia của 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính ở tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Về phía Chính phủ, cùng tham gia đối thoại ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan. Buổi đối thoại đã tháo gỡ nhiều thắc mắc của công nhân lao động, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động.
3,4 triệu lượt người lao động được nhận hỗ trợ về nhà ở sau dịch
Giải quyết về chính sách hỗ trợ, trợ cấp cho con em công nhân là trẻ mầm non làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất và hỗ trợ chính sách cho người lao động về tiền thuê nhà trọ là vấn đề được quan tâm sau ảnh hưởng của dịch COVID - 19. Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi đối thoại, 2 năm qua, Việt nam đã quyết liệt trong việc chỉ đạo, đã ban hành nhiều chính sách liên quan, hỗ trợ người lao động, trong đó có nhiều chính sách "chưa từng có tiền lệ": "Đặc biệt như Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động trong phòng chống dịch COVID-19, nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tổng kết đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng, 81.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động. Như vậy các chính sách này đã bao phủ tương đối rộng rãi các đối tượng. Việc hỗ trợ con em công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 là nội dung được quan tâm trong xây dựng chính sách. Con em mồ côi trong dịch đều ban hành chính sách riêng; trẻ em có mẹ là F1, F0 sinh trong giai đoạn đó cũng được hỗ trợ. Riêng về chính sách hỗ trợ Nhà ở để thực hiện Nghị quyết Quốc hội cũng như chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau dịch, hiện các tỉnh, thành đã tập hợp xong danh sách. Dự kiến số lượng theo tổng hợp là khoảng 3,4 triệu lượt người được hỗ trợ."
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các chính sách nói trên đang được thực hiện một cách khẩn trương, tuy nhiên để đẩy nhanh tiến trình, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan làm thủ tục nhanh, các địa phương chủ động triển khai sớm.
Liên quan đến nhà ở xã hội cho công nhân, theo đại diện Bộ xây dựng, Việt Nam đã đầu tư được 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở công nhân có quy mô khoảng 2,5 triệu m2, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của công nhân cả nước. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân, dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân.
Nâng cao phúc lợi cho công nhân
Phúc lợi xã hội luôn là vấn đề người lao động quan tâm. Phúc lợi tốt đồng nghĩa với cuộc sống của công nhân được đảm bảo. Tại đối thoại, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết trong sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội, Bộ đã hoàn thành hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách bảo hiểm, riêng việc điều chỉnh dần độ tuổi nghỉ hưu đã xong và sẽ trình Quốc hội vào năm 2023: "Chúng ta sẽ giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần “đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn” vì nguyên tắc bảo hiểm trên tinh thần công bằng, chia sẻ. Bên cạnh đó, Dự thảo tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm bảo hiểm xã hội, bảo đảm"
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, về bảo hiểm xã hội, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Trước nguyện vọng người lao động mong muốn có tay nghề vững để có thể có thu nhập cao, đời sống ổn định, đóng góp được nhiều cho doanh nghiệp và đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "Đây là đòi hỏi chính đáng của người lao động và công nhân.Chính phủ đã có chủ trương. Vừa qua trong chương trình đầu năm khi bố trí vốn đầu tư trung hạn, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã bàn bạc với các bộ, ngành liên quan dành 2.000 tỷ đồng cho đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho công nhân. Nếu còn có dư địa sẽ tiếp tục làm. Như vậy, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan như công nhân phải nỗ lực, quản lý nhà nước phải có chính sách, cơ chế, tổ chức thực hiện thật tốt; các địa phương phải vào cuộc để giải quyết bài toán tổng thể này căn cơ, bài bản, từng bước chắc chắn và có hiệu quả."
Công nhân lao động là một trong những chủ thể để thực hiện mục tiêu phát triển, xây dựng nền công nghiệp hiện đại. Do đó, việc quan tâm, chăm lo cho công nhân, người lao động, bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất cho người lao động sẽ góp phần đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời cũng là đảm bảo an sinh xã hội.