(VOV5) - Cuộc trưng cầu dân ý ở Cataluynia, xét trên phương diện pháp lý là bất hợp pháp.
Xứ Cataluynia ở Tây Ban Nha vừa tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý với kết quả ủng hộ độc lập lên tới trên 90%.
Dù đây là cuộc trưng cầu dân ý được coi là vi hiến và vô giá trị, song việc xứ Cataluynia dứt khoát muốn “rũ áo ra đi” là hồi chuông báo động, đặt quốc gia Tây Ban Nha trước nguy cơ chia tách và những bất ổn chính trị thời gian tới. Lo ngại hơn, mầm mống ly khai có thể lan rộng tại nhiều quốc gia Châu Âu, đe dọa sự thống nhất của Liên minh này.
Biểu tình ở Tây Ban Nha liên quan đến trưng cầu dân ý đòi độc lập cho Catalonia (Ảnh: Getty)
|
Trước hết, các con số trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở xứ Cataluynia hôm 1/10 đã nói lên nhiều điều. Hơn 2,2 triệu trong tổng số 5,3 triệu cử tri đăng ký tham gia và có tới hơn 90% trong số này nói “có” với độc lập. Chỉ có khoảng 8% cử tri phản đối việc vùng tự trị này tách ra khỏi Tây Ban Nha. Dù cho Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha không cho phép tổ chức, dù chính quyền Trung ương tuyên bố kết quả bỏ phiếu không mang bất cứ một ý nghĩa chính trị nào và thẳng tay đàn áp, song những con số này thực sự phản ánh khao khát của đa số cử tri Cataluynia muốn độc lập.
Nguy cơ khơi mào cho một cuộc khủng hoảng chính trị lâu dài
Khác với các cuộc trưng cầu dân ý trước, điều đáng nói ở cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý đòi ly khai ở Cataluynia lần này là bầu không khí nhuốm màu bạo lực. Ngay từ khi manh nha, chính quyền trung ương đã cảnh báo sẽ làm mọi cách để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu “vi hiến pháp” này. Đáp lại, hàng chục ngàn người tham gia tuần hành ủng hộ cuộc trưng cầu, vẫy cờ ly khai và bám trụ quyết liệt hơn tại các điểm bỏ phiếu. Ít nhất đã có trên 840 người bị thương do đụng độ với cảnh sát trong quá trình tham gia bỏ phiếu. Dù bị ngăn cản nhưng số lượng người tham gia bỏ phiếu là hơn 2,2 triệu trong tổng số lượng người đăng ký là 5,3 triệu, chưa bao gồm những người bị cảnh sát. Điều này thừa nhận một thực tế phe ly khai đã thành công khi huy động được ngần ấy cử tri đi bỏ phiếu.
Lãnh đạo vùng Cataluynia đã lên tiếng chỉ trích lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha và khẳng định kết quả trưng cầu dân ý sẽ được gửi tới Quốc hội Cataluynia. Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha cam kết sẽ làm mọi việc để bảo vệ sự thống nhất cũng như toàn vẹn đất nước. Thậm chí, các công tố viên nước này còn đang xem xét để truy tố trách nhiệm hình sự với các nhà chức trách xứ Catalonia vi phạm lệnh cấm của tòa án khi mở các trạm bỏ phiếu trong trường học và cơ quan công quyền. Căng thẳng hiện nay, theo các nhà phân tích, có thể đẩy mâu thuẫn giữa chính quyền Trung ương Tây Ban Nha và chính quyền địa phương lên cao hơn nữa và rất có thể sẽ khơi mào cho một cuộc khủng hoảng chính trị lâu dài tại Tây Ban Nha.
Nguyên nhân thôi thúc xu hướng ly khai
Cataluynia là một trong những vùng công nghiệp phát triển nhất ở đông bắc Tây Ban Nha. Khu vực Cataluynia bao gồm bốn tỉnh lớn của Tây Ban Nha là Barcelona, Girona, Lleida và Tarragon, có thủ phủ là thành phố Barcelona nổi tiếng. Với dân số 7.5 triệu và nền kinh tế sôi động bên bờ Địa Trung Hải, Catalonia có GDP hơn 300 tỷ USD, chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong khối Euro vài năm trở lại đây, Tây Ban Nha là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế. Bội chi ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Chính quyền xứ Cataluynia không chấp nhận những chính sách khắc khổ do Liên minh châu Âu và khối Euro đòi hỏi. Việc Cataluynia cùng chia sẻ gánh nặng cả về nợ hay chính sách người nhập cư của Châu Âu cũng là lý do thôi thúc xứ này muốn ly khai. Ngoài lý do kinh tế, ngôn ngữ và di sản văn hóa riêng cũng là một động lực đáng kể để Catalonia "nuôi mộng" tách ra thành một nhà nước độc lập. Thêm vào đó, người dân Cataluynia vẫn không đồng tình về quyết định của Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha cách đây 7 năm, trong đó các phần của luật tự trị Cataluynia năm 2006 đã bị hủy bỏ hoặc sửa đổi khiến quyền tự trị của họ không được mở rộng như mong muốn.
Ảnh hưởng đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU
Rõ ràng, cuộc trưng cầu dân ý ở Cataluynia, xét trên phương diện pháp lý là bất hợp pháp. Thứ nhất, Hiến pháp Tây Ban Nha quy định chỉ có chính quyền trung ương mới có thẩm quyền tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân như vậy, còn chính quyền vùng không có thẩm quyền trong việc này. Thứ hai, theo luật pháp quốc tế, cụ thể hơn là luật của Liên minh châu Âu (EU), không hề có điều khoản nào hỗ trợ về mặt pháp lý cho một cuộc trưng cầu ý dân như ở Cataluynia. Tòa án Hiến pháp và chính quyền trung ương Tây Ban Nha từ trước đến nay luôn khẳng định cuộc trưng cầu ý dân ở Cataluynia là vi hiến, đồng thời đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của EU. Tuy nhiên, sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu lần này, chính quyền trung ương Tây Ban Nha chắc chắn sẽ phải có các giải pháp dung hòa lợi ích để ổn định tình hình đất nước. Rộng hơn, qua câu chuyện Cataluynia, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ phải tính đến những giải pháp để hạn chế "mầm" ly khai cùng xu hướng phân hóa đang có cơ lan rộng, thách đố chủ quyền của nhiều quốc gia tại cựu lục địa. Khủng hoảng tại Tây Ban Nha có thể khơi mào cho hàng loạt phong trào đòi ly khai ở trong khu vực, như đảo Corsica ở Pháp, các khu vực công nghiệp phát triển phía Bắc Italya, vùng Flander và Wallonia ở Bỉ, đảo Faeroe ở Đan Mạch… Bất ổn ở Tây Ban Nha xuất phát từ xứ Catalonia, sẽ là khủng hoảng chung cho khối EU. Nguy hiểm hơn, nó có thể tạo thành hiệu ứng tự xưng độc lập, xé rào ra khỏi khối EU để tìm lợi ích riêng.