Bầu cử Tổng thống Iran: Bình mới rượu cũ

(VOV5) - Ngày mai, 14/6, hơn 50 triệu cử tri Iran sẽ đi bầu người kế nhiệm Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Sau thời gian 8 năm cầm quyền, chịu nhiều sức ép từ phương Tây bởi các nỗ lực theo đuổi hạt nhân, liệu người kế nhiệm ông Ahmadinejad có đem đến một sự đổi thay, đưa Iran thoát khỏi những khó khăn hiện tại? Điều này đang được dư luận mong đợi nhưng theo quan sát, cuộc bầu cử lần này thực chất chỉ là sự lựa chọn giữa những ứng cử viên cứng rắn với mức độ nhiều hay ít hơn và kết quả sẽ chỉ đem lại một sự khác biệt về mức độ chứ không phải về thực chất trong các chính sách của Iran.

Bầu cử Tổng thống Iran: Bình mới rượu cũ - ảnh 1
Người dân Iran kỳ vọng sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn
(Ảnh: hanoimoi)

Trong tổng số gần 700 ứng cử viên tham gia tranh cử lần này, Hội đồng giám hộ Iran, cơ quan giám sát được lập ra không qua bầu cử, đã sơ loại còn 8 người, điều đáng chú ý là có 5/8 trong đó là những nhân vật bảo thủ quan hệ gần gũi với nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei. Đúng như mong muốn của ông Khamenei về “một cuộc bầu cử trật tự, bình yên và không gây tranh cãi”, trước thềm bầu cử, những nhân vật được cho là có tư tưởng cấp tiến đã bất ngờ bị cấm ra tranh cử như ông Akbar Hashemi Rafsanjani, một nhân vật xuất chúng trong cuộc cách mạng Iran và từng giữ cương vị tổng thống nước này giai đoạn 1989-1997. Nhân vật thứ 2 là Efandiar Rahim Mashaie, Trợ lý của Tổng thống M.Ahmadinejad, một người được coi là ứng cử viên sáng giá theo đường lối cải cách và ôn hòa, tuy nhiên ông này đã mất địa vị chính trị trong những năm gần đây và hiện đang bất hòa với nhà lãnh đạo Khamenei. Bởi vậy, với 5/8 ứng cử viên đi theo con đường bảo thủ hiện nay, nhiều nhà quan sát khu vực dự báo, cử tri Iran khó có sự lựa chọn.

Còn nhớ thời điểm bầu cử năm 2009, các cuộc tuần hành náo nhiệt của các đảng phái đã thu hút đông đảo người dân. Còn ở thời điểm hiện nay, chiến dịch bầu cử năm nay hoạt động vận động bầu cử khá bình lặng. Các cuộc tuần hành ngoài trời không diễn ra, các áp phích phục vụ chiến dịch bầu cử cũng gần như vắng bóng trên khắp cả nước. Hầu hết các ứng cử viên đều tiến hành chiến dịch tranh cử ít tốn kém, được đánh dấu bởi 3 buổi tranh luận truyền hình trực tiếp, chỉ nhằm trao đổi vài ý kiến giữa các ứng cử viên, đã không thể truyền cảm hứng cho các cử tri. Không khí ảm đạm đó, cùng với sự vắng bóng của một số ứng cử viên sáng giá đã phủ bóng đen lên cuộc bầu cử. Các chuyên gia cho rằng, mối quan tâm chủ yếu của người Iran bình thường hiện nay là nền kinh tế đã bị thiệt hại nặng nề vì những biện pháp chế tài quốc tế liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân của Tehran. Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ lạm phát ở nước này hiện lên tới 29,8%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 14%. Đồng Rial của Iran đã giảm gần 80% giá trị kể từ đầu năm 2012 đến nay và xuất khẩu của Iran cũng đã giảm 40%. Ước tính, chương trình hạt nhân dân sự đã lấy đi của Tehran hơn 100 tỷ USD do nước này bị mất doanh thu từ dầu lửa và các hoạt động đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trong một bước đi nhằm siết chặt hơn nữa lệnh bao vây phong tỏa, tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã liệt kê gần 40 công ty của Iran vào "danh sách đen" vì bị tình nghi giấu giếm tài sản và là nguồn cung cấp hàng tỷ USD cho Chính phủ Iran. Đây là lần thứ tư liên tiếp trong chỉ một tuần, Nhà Trắng áp đặt lệnh trừng phạt gia tăng với Tehran, nhằm gây sức ép lên chương trình hạt nhân của nước này. Trước đó, chính quyền của Tổng thống B.Obama cũng áp đặt lệnh trừng phạt với ngành công nghiệp hóa dầu, công nghiệp ô tô và hơn 50 quan chức Iran.

Trong bối cảnh nền kinh tế Iran ngày càng lao dốc dưới tác động của các biện pháp trừng phạt và bộ máy quản lý bị đánh giá là yếu kém, người dân Iran đang rất cần một vị tổng thống có thể đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng kinh tế trì trệ, xây dựng hình ảnh một đất nước Iran thân thiện và yêu chuộng hòa bình. Thế nhưng, với những diễn biến hiện tại, nhiều chuyên gia tin rằng không có nhiều hy vọng cuộc bầu cử ở Iran lần này sẽ dẫn đến việc nới lỏng căng thẳng và các biện pháp chế tài, yếu tố hàng đầu để vực dậy nền kinh tế. Các ứng cử viên đủ tư cách tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Iran ngày mai chưa ai thực sự bứt phá, chiếm ưu thế, chỉ phê phán chính phủ hiện nay mà không đưa ra bất kỳ giải pháp nào cho những vấn đề của đất nước.

Điều đáng chú ý là ở đất nước Hồi giáo này, theo Hiến pháp, mặc dù Tổng thống có các thẩm quyền hành pháp như ký kết các hiệp ước, hiệp định với các nước khác và các tổ chức quốc tế, các vấn đề về tổ chức nhà nước, ngân sách nhà nước... nhưng không có toàn quyền với chính sách đối ngoại, lực lượng vũ trang hay chính sách hạt nhân. Công việc này do Lãnh đạo Tối cao nắm giữ. Bởi vậy, với 5/8 ứng cử viên đi theo con đường bảo thủ hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu bầu cử khu vực dự báo, cuộc chuyển giao vị trí Tổng thống chỉ là “bình mới rượu cũ” mà thôi. Bức tranh chính trị ở Iran sẽ không có thay đổi gì lớn sau cuộc bầu cử. Thay vào đó nhiều chuyên gia nhận định rất có thể, lập trường của Iran cứng rắn hơn và tình trạng bế tắc vẫn tiếp diễn, có thể dẫn đến một sự đối đầu quân sự./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác