Biến động chính trị tại Italy và mối quan tâm của EU

(VOV5) - Không chỉ người Italy, mà nhiều nhà lãnh đạo EU cũng đang thực sự quan ngại với những diễn biến mới trên chính trường Italy.

Ngày 21/7, Tổng thống Italy Sergio Mattarella thông báo đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Italy Mario Draghi, đồng thời quyết định giải tán Quốc hội, mở đường cho cuộc bầu cử sớm trước thời hạn trong thời gian tới.

Đây là diễn biến mới và đáng chú ý nhất về những xuất hiện trên chính trường Italy từ giữa tháng 7 này, đồng thời đẩy cao mối quan tâm trong giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).

Biến động chính trị tại Italy và mối quan tâm của EU - ảnh 1Thủ tướng Italy Mario Draghi tại một phiên họp của Thượng viện ở Rome, ngày 21/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông báo giải tán Quốc hội (gồm Thượng viện và Hạ viện) Italy, Tổng thống Sergio Mattarella nêu rõ, trong bối cảnh thiếu sự ủng hộ của Quốc hội đối với Chính phủ, việc giải tán Quốc hội là khó tránh khỏi, là giải pháp cuối cùng. Cũng theo thông báo, việc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn sẽ được thực hiện trong vòng 70 ngày theo luật định, nhiều khả năng rơi vào ngày 25/9 tới đây. Theo nhiều nhà phân tích, diễn biến mới này không chỉ đẩy cao tình trạng căng thẳng trên chính trường Italy, mà còn khiến châu Âu, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) quan ngại.

Biến động trên chính trường Italy

Căng thẳng gia tăng trên chính trường Italy bắt đầu ngày 13/7 khi Cựu thủ tướng Italy Giuseppe Conte, lãnh đạo đảng Phong trào 5 Sao (M5S), đe dọa sẽ rút M5S khỏi liên minh cầm quyền do Thủ tướng Mario Draghi lãnh đạo. M5S là chính đảng lớn nhất, chiếm hơn 30% số ghế tại Thượng viện và Hạ viện Italy sau cuộc tổng tuyển cử năm 2018. M5S gia nhập Liên minh cầm quyền khi Liên minh này được thành lập tháng 2/2021 cùng sự tham gia của đảng Liên đoàn, đảng Tiến lên (Forza Italia), đảng Dân chủ, đảng Italia Viva và đảng Article One.

Ngay sau đó, lãnh đạo đảng Dân chủ và đảng Liên đoàn cũng đe dọa rút khỏi Liên minh cầm quyền, dẫn đến việc Thủ tướng Draghi đệ đơn từ chức lần thứ nhất lên Tổng thống Mattarella hôm 15/7, nhưng bị bác bỏ. Tổng thống Mattarella khi đó yêu cầu Thủ tướng Draghi đối thoại với Quốc hội để tìm giải pháp cho khủng hoảng chính trị.

Biến động chính trị tại Italy và mối quan tâm của EU - ảnh 2Thủ tướng Draghi (trái) và Tổng thống Mattarella tại Văn phòng Tổng thống Italy ngày 21/7. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên đến ngày 20/7, Liên minh cầm quyền đã chính thức tan rã khi ba đảng M5S, Dân chủ và Tiến lên (của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi) quyết định không tham gia bỏ phiếu tín nhiệm nhằm chấm dứt sự chia rẽ và khôi phục lại Liên minh. Một ngày sau đó (21/7), Thủ tướng Draghi đệ đơn từ chức lần thứ 2 lên Tổng thống Mattarella và được chấp nhận. Mặc dù vậy, ông Draghi được yêu cầu tiếp tục công việc cho đến khi bầu cử được tiến hành.

Thủ tướng Mario Draghi (74 tuổi) từng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), được giới chuyên gia lẫn chính trị gia Italy đánh giá là "lựa chọn an toàn" để lèo lái đất nước phục hồi kinh tế sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Vì thế, sự sụp đổ của Chính phủ do Thủ tướng Draghi lãnh đạo, được coi là đòn giáng nghiêm trọng vào không chỉ chính trường, mà cả nền kinh tế Italy, đặc biệt là trong bối nền kinh này đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao kỷ lục trong hàng chục năm qua. Bộ trưởng Hành chính công Italy Renato Brunetta khẳng định nước này đang trong giai đoạn "không thể thiếu ông Draghi", trong khi Tổng thống Sergio Mattarella cũng cảnh báo Italy đang phải đối mặt những thách thức nghiêm trọng.

Mối quan tâm của EU

Không chỉ người Italy, mà nhiều nhà lãnh đạo EU cũng đang thực sự quan ngại với những diễn biến mới trên chính trường Italy. Trong đó, phản ứng của Pháp, một trong những quốc gia có vai trò và ảnh hưởng lớn nhất trong EU, là rõ ràng nhất.

Ngay sau khi Thủ tướng Italy Mario Draghi nộp đơn từ chức lần 2 hôm 21/7, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Laurence Boone đã lên tiếng cảnh báo về "thời kỳ bất định" tại Italy. Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới, Bộ trưởng Laurence Boone khẳng định “Thủ tướng Italy Draghi là một chính khách xuất chúng, là đối tác hiệu quả của Pháp và là một trụ cột của châu Âu".

Theo giới phân tích, có nhiều lý do khiến các nhà lãnh đạo EU quan ngại về những biến động hiện nay trên chính trường Italy.Thứ nhất, sau khi nước Anh rời EU (Brexit), Italy (nền kinh tế lớn thứ ba EU) được xem là một trụ cột mới có thể thay thế để cùng hai đầu tàu là Đức và Pháp chèo lái EU vượt qua hàng loạt thách thức, đứng đầu là đại dịch Covid-19 giai đoạn trước và giờ đây là tình trạng lạm phát cao kỷ lục.

Thứ hai, bất ổn trên chính trường Italy có nguy cơ tạo hiệu ứng dây chuyền (hiệu ứng domino), tức có thể tác động bất lợi lên chính trường các quốc gia thành viên EU khác. Nhiều chuyên gia đánh giá nguy cơ này là không hề thấp khi mà chính trường nước Anh, một cựu thành viên của EU và vẫn còn những gắn kết nhất định với EU, cũng đang trong trạng thái căng thẳng sau quyết định từ chức mới đây của Thủ tướng Boris Johnson.

Trong khi đó, nội bộ chính giới nhiều quốc gia thành viên EU cũng đang có sự chia rẽ sâu sắc, đồng thời chịu sức ép lớn liên quan đến hàng loạt vấn đề có tính thời sự như cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, giá nhiên liệu, lương thực và tỷ lệ lạm phát tăng cao…

Rõ ràng, có quá nhiều việc phải làm và EU chắc chắn cần nỗ lực hơn rất nhiều để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và thách thức hiện nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác