(VOV5) - Đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào tiếp giáp giữa 20 tỉnh của hai nước đã được hai nước hoạch định cách đây 40 năm.
Việt Nam và Lào vừa việc hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chất lượng đường biên giới Việt Nam - Lào cả về pháp lý và thực tiễn. Như vậy, từ nay, hai nước đã có một đường biên giới hết sức rõ ràng, được ghi nhận rất chi tiết trong các văn kiện pháp lý, bản đồ đính kèm và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Quảng Trị (Ảnh: TTXVN) |
Thành quả này không những tạo tiền đề thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ đường biên giới, mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Đường biên giới Việt Nam - Lào dài khoảng 2337 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Ở Việt Nam, điểm đầu thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và điểm cuối ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Khu vực biên giới Việt Nam - Lào có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội của hai nước.
Biểu hiện sinh động của quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào
Đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào tiếp giáp giữa 20 tỉnh của hai nước đã được hai nước hoạch định cách đây 40 năm. Nhưng đến năm 2008, Việt Nam và Lào mới có điều kiện để bắt đầu để tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới này. Sau 9 năm xây dựng, bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Lào, đến đầu năm 2016, hai nước đã hoàn thành việc tăng dày và tôn tạo hơn 1.000 cột mốc và cọc dấu cùng với bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000, thể hiện toàn bộ thành quả quyết tâm giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước.
Hiện tại, trung bình cứ 2,6 km đường biên giới có 1 cột mốc hoặc cọc dấu. Sau khi được Quốc hội hai nước thông qua, kể từ ngày 5/9/2017, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Lào chính thức có hiệu lực thi hành. Tại hội nghị tổng kết hoàn thành kế hoạch tổng thể công tác tăng dày và tôn tạo Hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào diễn ra tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn thể hiện sự thống nhất cao, tin cậy giữa hai Đảng, hai nước, đồng thời là biểu hiện sinh động quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt, toàn diện giữa Việt Nam và Lào. Bởi đây là lần đầu tiên, hai nước có đường biên giới quốc gia rõ ràng, được ghi nhận rất chi tiết trong các văn kiện pháp lý, bản đồ đính kèm và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Mồ hôi thấm mặn từng tấc đất biên cương
Có được thành quả này phải kể đến công sức của biết bao người. Trong quá trình triển khai phân vạch cụ thể đường biên giới trên thực địa, địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, mồ hôi, thậm chí cả máu của biết bao chiến sĩ Việt Nam và Lào đã đổ xuống. Tỉnh Quảng Nam là tỉnh có đường biên giới giáp với tỉnh Sekong của Lào dài 142km. Sau 5 năm triển khai, nhờ nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ hai nước, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân hai bên biên giới, tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Bên lề Hội nghị tổng kết hoàn thành kế hoạch tổng thể công tác tăng dày và tôn tạo Hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào mới đây, Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng Quảng Nam, chia sẻ: “Bà con nhân dân hai bên biên giới hết sức ủng hộ, từ việc vận chuyển vật liệu, phát quang đường biên cột mốc, cũng như cùng nhau giúp đỡ rất nhiều lực lượng cắm mốc hai bên đảm bảo hoàn thành trước thời hạn. Trong tuyến biên giới Quảng Nam-Sekong này 142km thì có 60 cột mốc thì Quảng Nam hoàn thành trước hơn 1 năm”.
Dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vừa bảo đảm nguyên tắc hữu nghị, tình nghĩa, vừa dựa trên cơ sở lợi ích của mỗi bên, được đặt trong tổng thể mối quan hệ đặc biệt và toàn diện Việt Nam – Lào, công tác tăng dày tôn tạo mốc biên giới được hai bên hoàn thành khẩn trương, đúng tiến độ và hiệu quả. Lần đầu tiên, hai nước có có một đường biên giới rõ ràng, khoa học, chính xác cả trên thực địa và trong các tài liệu pháp lý. Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông, khẳng định: “Đây là niềm tự hào của hai Đảng, hai dân tộc. Một trong những cơ sở để tạo nên mối quan hệ đặc biệt đó chính là tình cảm gần gũi, gắn bó, trọn tình trọn nghĩa như những người thân trong gia đình ở hai bên biên giới. Mà nhờ tình cảm sâu nặng đó, tôi cho rằng Việt Nam và Lào sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào trong việc xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển, cũng như trong việc gìn giữ, củng cố và bồi đắp mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào”.
Việc hoàn thành thắng lợi toàn bộ dự án đã góp phần hoàn thiện chất lượng đường biên giới Việt Nam - Lào cả về pháp lý và thực tiễn, không những tạo tiền đề thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ đường biên giới mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch của các địa phương và nhân dân vùng biên giới, góp phần tăng cường tình đoàn kết vốn có giữa hai dân tộc.