Bước lùi trong quan hệ Mỹ-Nga

(VOV5)- Kể từ hôm qua, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) chính thức rút hết nhân viên của mình ra khỏi lãnh thổ Nga, chấm dứt sứ mệnh của mình tại Nga sau 20 năm hoạt động, theo yêu cầu của Moscow. Dù Washington khẳng định đóng cửa USAID ở xứ sở Bạch Dương sẽ không làm ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Nga, nhưng theo giới phân tích nhận định, quyết định này đã làm cản trở quá trình cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia vốn có nhiều khúc thăng trầm trong quá khứ.

USAID được Chính phủ Mỹ thành lập vào năm 1961. Cơ quan này phụ trách vấn đề viện trợ dân sự nước ngoài, nhằm hỗ trợ phát triển dân chủ, kinh tế, y tế, cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp và ngăn ngừa xung đột ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. USAID mở văn phòng tại Moscow từ năm 1992 và cơ quan này đã chi khoảng 2,7 tỷ USD viện trợ. Riêng trong năm tài khóa 2012, ngân sách khoảng 50 triệu USD và hiện có 60 người Nga và 13 người Mỹ đang làm việc. Trong những năm 1990, chương trình này chú trọng nhiều vào việc giúp đỡ Nga chuyển hướng từ một nền kinh tế tập trung do nhà nước kiểm soát sang một hệ thống thị trường tự do. Tuy nhiên, trong vòng 1 thập niên trở lại đây, số tiền viện trợ ngày càng gia tăng, được cung cấp cho các tổ chức nhân quyền và củng cố xã hội dân sự Nga. USAID cung cấp phần lớn tiền bạc cho Golos, một tổ chức kiểm phiếu độc lập duy nhất tại Nga.

Bước lùi trong quan hệ Mỹ-Nga - ảnh 1
Hoạt động của USAID tại Nga chính thức chấm dứt từ ngày 1-10. Ảnh: dw.de

Quyết định đóng cửa văn phòng USAID được Bộ Ngoại giao Nga công bố từ hôm 18/9. Với lời giải thích cơ quan này đã tìm cách gây ảnh hưởng đối với tiến trình chính trị, các thiết chế xã hội dân sự và các cuộc bầu cử ở các cấp khác nhau thông qua việc phân bổ các khoản tiền viện trợ, Moscow khẳng định xã hội dân sự ở Nga đã hoàn toàn trưởng thành và không cần sự chỉ đạo từ bên ngoài. Theo kết quả điều tra dư luận Nga sau khi Chính phủ quyết định chấm dứt hoạt động của USAID trên lãnh thổ nước này, có hơn 75% ý kiến đồng tình với quyết định này và cho rằng điều đó có lợi đối với đất nước, trong khi chỉ có 10,5% nhận xét rằng gây thiệt hại đối với Nga. Do đó, theo giới phân tích chính trị ở Nga, quyết định của Moscow chấm dứt hoạt động của USAID trên lãnh thổ Liên bang Nga là kịp thời và hoàn toàn có cơ sở.

Trong khi đó, quyết định trục xuất USAID của Moscow đã gây một làn sóng phản ứng từ chính giới và truyền thông Mỹ. Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ “lấy làm tiếc” đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng USAID can thiệp vào đời sống chính trị Nga. Thượng nghị sĩ Đảng cộng hòa John McCain đã không ngần ngại cho rằng hành động này của Nga đã xúc phạm đến chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Còn hàng loạt tờ báo lớn, hãng tin của Mỹ cho rằng quyết định ngừng hoạt động của USAID tại Nga là một bước lùi trong quan hệ Nga-Mỹ, dập tắt mọi nỗ lực tái khởi động quan hệ của Tổng thống Obama trong suốt thời gian qua.

Thực tế, quyết định này không nằm ngoài kế hoạch cải cách chính trị của Tổng thống Nga V.Putin sau khi tái đắc cử. Trước khi ông V.Putin quay trở lại điện Kremli, những nhà nghiên cứu phân tích quốc tế đã nhận định đây sẽ bắt đầu là thời điểm khó khăn trong quan hệ Mỹ-Nga, bởi khác với người tiền nhiệm Medvedev, ông V.Putin luôn giữ quan điểm cứng rắn với Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Putin đã tạo dựng hình ảnh một nước Nga đang bị đe dọa từ phương Tây và sau khi tái đắc cử, chính sách đối nội và đối ngoại thực tế đã bám sát quan điểm ấy. Ngay từ khi quay trở lại điện Kremli tháng 5/2012, ông V.Putin đã chủ trương tập trung đẩy lùi nguy cơ bất ổn bắt nguồn từ phong trào phản kháng của các phe đối lập trong nước, mà theo ông, nguyên nhân chính là do có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Cùng với việc tăng cường các biện pháp cải cách chính trị, sẵn sàng đối thoại với phe đối lập, Tổng thống V.Putin đã nhanh chóng thông qua đạo luật mới về biểu tình như nâng mức phạt đối với người biểu tình, siết chặt trừng phạt tội bôi nhọ chính phủ, tăng cường kiểm soát hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, buộc các tổ chức này phải đăng ký hoạt động với Bộ Tư pháp và phải nộp báo cáo hàng quý về hoạt động cho các cơ quan chức năng Nga. Thời gian gần đây, Nga đã nhiều lần chỉ trích một số tổ chức nước ngoài lén lút tài trợ cho phe đối lập trong nước, kích động bạo lực. Thậm chí, Tổng thống V.Putin còn chỉ trích Mỹ đã đứng sau kích động các cuộc biểu tình rầm rộ chống chính phủ Nga hồi cuối năm ngoái, thời điểm mà đảng nước Nga thống nhất giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện.  

Khi lên nắm quyền ở Mỹ, Tổng thống B. Obama đã tìm kiếm các cơ hội để “tái khởi động” mối quan hệ với Nga và đã đạt được một số kết quả, như hiệp ước kiểm soát vũ khí năm 2010. Mặc dù vậy, hai nước vẫn bất đồng trên nhiều vấn đề, từ bạo lực tại Syria, chương trình hạt nhân của Iran, tới kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ và phong trào Mùa Xuân Ả rập. Trong bối cảnh những bất đồng này hiện vẫn chưa tìm được lối thoát nếu không muốn nói là trầm trọng hơn, việc Moscow kiên quyết nói “không” với USAID được dự báo quan hệ Mỹ-Nga sẽ bước vào một giai đoạn sóng gió mới./.  

Phản hồi

Các tin/bài khác