Bước tiến mới trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng của người dân

(VOV5) - Dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo đang được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong phiên họp thứ ba, diễn ra trong các ngày từ 12-22/9. Dự thảo Luật này dự kiến được trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, nhằm tạo hành lang pháp lý rộng mở cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. 

Bước tiến mới trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng của người dân - ảnh 1
Nghi thức thả chim bồ câu trong dịp Đại lễ Phật đản 2013 tại chùa Phổ Quang, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Ước tính, khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Trong số đó, có khoảng 20 triệu tín đồ, 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo. Cả nước có gần 83 nghìn chức sắc, 250 nghìn chức việc, gần 28 nghìn cơ sở thờ tự tôn giáo.

Bức tranh đa dạng về các tôn giáo.

Tín đồ các tôn giáo sinh hoạt tôn giáo bình thường tại gia đình và nơi thờ tự theo nghi lễ truyền thống của tôn giáo mình. Một số sinh hoạt tôn giáo, nhất là những tôn giáo có phạm vi địa phương, mới ra đời hoặc mới du nhập vào Việt Nam, đều được hoạt động ngày càng ổn định theo đúng hiến chương, điều lệ tổ chức, đảm bảo tuân thủ pháp luật. Sự hòa hợp giữa các tôn giáo thể hiện rất rõ. Các chức sắc, chức việc của tôn giáo này có thể đến dự lễ trọng mít tinh của tôn giáo khác, tự nguyện đóng góp, giúp đỡ tín đồ các tôn giáo khác và những người không theo tôn giáo, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn với giữa các tôn giáo, giữa đạo với đời. Cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương luôn tổ chức thăm hỏi, chúc mừng các chức sắc, tín đồ tôn giáo nhân các ngày lễ, Tết, thường xuyên duy trì đối thoại với các tổ chức tôn giáo ở địa phương.

Bước tiến mới trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng của người dân - ảnh 2
Buổi thắp nến cầu nguyện cho ngư dân và chiến sỹ tại một thánh đường ở Hà Nội (Ảnh: tienphong.vn)

Từ khi đổi mới đất nước, nhiều giáo phái, hệ phái tôn giáo Việt Nam được công nhận tư cách pháp nhân, nên người tu hành Việt Nam càng có điều kiện bồi đắp tín ngưỡng của mình. Hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo đều được sửa chữa, xây mới, mở rộng. Tới nay cả nước đã có 4 học viện, 8 trường cao đẳng, 32 trường trung cấp phật học, 7 đại chủng viện hai viện thánh kinh thần học và học viện thần học của Tin lành. Nhà xuất bản Tôn giáo cũng được thành lập với khoảng 4000 đầu sách được xuất bản cùng hàng chục triệu bản in. Các hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo được tăng cường. Các tôn giáo Việt Nam tham gia tích cực các Hội nghị, diễn đàn tôn giáo khu vực và quốc tế. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức trọng thể, thành công ở Việt Nam.

Quan điểm đổi mới về tín ngưỡng, tôn giáo

Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa IX đã khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng và Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của công dân, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước cũng đảm bảo quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật và nghiêm cấm hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Từ năm 1986 đến nay, đã có hơn 100 văn bản pháp luật có nội dung điều chỉnh về tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, thể hiện được tinh thần đổi mới về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được thể hiện cao nhất trong điều 24, Hiến pháp năm 2013. Theo đó, “ Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.”

Bước tiến mới về tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Để tiếp tục thể chế đường lối chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2016. Dự thảo Luật này mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, từ “công dân” thành “mọi người”, thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người mà không phải chỉ là quyền công dân. Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo được xem là nhằm thỏa mãn nhu cầu tập trung bày tỏ niềm tin của các cá nhân và không phải là một điều kiện để hình thành tổ chức tôn giáo. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện mà không phụ thuộc vào tổ chức tôn giáo nào. Một số nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như công nhận tổ chức tôn giáo, chấp nhận, thành lập, chia tách, sát nhập tổ chức tôn giáo... được thay đổi theo hướng giao cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động tôn giáo. Dự Luật cũng tạo điều kiện cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được tu học, sinh hoạt tôn giáo, được phong chức, suy cử khi hoạt động tôn giáo ở Việt Nam...

Kết quả của sự đổi mới trong chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã đem lại sự thay đổi căn bản trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Tình hình tôn giáo dần đi vào ổn định, tín đồ, chức sắc, nhà tu hành thêm tin tưởng và tham gia đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới sẽ tạo hành lang pháp lý rộng mở để hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam ngày càng phát triển.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác