(VOV5) - Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng là một trọng tâm hợp tác của APEC, trong đó không thể thiếu vai trò của các FTA/RTA.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) phát biểu khai mạc cuộc họp (Ảnh: TTXVN)
|
Đối thoại của APEC về các Hiệp định thương mại khu vực, hiệp định thương mại tự do (RTAs/FTAs) trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương kết thúc ngày 27/8, tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại đối thoại, các nền kinh tế thành viên xác định đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng tiếp tục là một trọng tâm hợp tác của APEC, trong đó có việc thúc đẩy Hiệp định Thương mại khu vực, Hiệp định Thương mại tự do và hướng tới hình thành một Khu vực thương mại tự do (FTAAP).
Gần 30 năm qua, các hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại tự do tại khu vực APEC, nơi tập trung 1/2 tổng số các hiệp định thương mại trên thế giới, đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô và tính chất. Hiện nay, các thành viên APEC tham gia tổng cộng 165 FTA/RTA, trong đó có 62 Hiệp định là giữa các thành viên APEC. Ngày càng có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới được đàm phán và ký kết tại khu vực, tập trung vào các vấn đề thương mại và đầu tư, các vấn đề sau biên giới cũng như các rào cản mang tính phi thuế.
Tác động tích cực của các Hiệp định thương mại tự do tới phát triển kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới và khu vực có đấu hiệu hồi phục tích cực, việc tranh thủ tối ưu các lợi ích từ các hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tạo động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư. Các hiệp định thương mại tự do mang lại nhiều lợi ích to lớn về tăng trưởng kinh tế, tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, tác động cải cách thể chế, luật lệ trong nước. Nhờ vào tác động của các hiệp định thương mại tự do, giao dịch thương mại nội khối APEC tăng trưởng 274%, từ 2,3 ngàn tỷ USD lên 6,3 ngàn tỷ USD từ năm 2000 đến năm 2016.
Giáo sư Jeff Schott, Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Hoa Kỳ), đánh giá: "Tôi cho rằng RTAs/FTAs mà các thành viên APEC tham gia đều khá toàn diện. Nhiều khía cạnh về chính sách kinh tế nội địa đã được đưa ra bàn bạc, điều này quan trọng vì đây là nền tảng cho sự phát triển của một nền kinh tế. Khi các nước APEC trao đổi với nhau, có thể đưa ra những chính sách và cải cách phù hợp với nền kinh tế để phát triển".
Bà Marie Sherylyn Aquia, Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Đầu tư APEC, cho rằng: "Các nước trong APEC đã và đang là một phần quan trọng trong FTAs và RTAs. Họ áp dụng và đàm phán nhiều về các hiệp định FTA, đặc biệt là đối thoại về mặt chính sách. Tôi thấy Việt Nam đã có kế hoạch dài hạn và cũng rất nỗ lực trong hội nhập và hợp tác với các nền kinh tế khác".
Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết, thực hiện các FTA/RTA
FTA mang lại lợi ích to lớn cho tăng trưởng kinh tế, tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như cải cách thể chế trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực hiện nay, với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mục tiêu của APEC là làm sao để tận dụng tối đa những lợi ích kinh tế xã hội do các FTA mang lại, đồng thời giảm thiểu các tác động bất lợi phát sinh từ chi phí điều chỉnh, sự bất bình đẳng gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn chia sẻ Việt Nam có đàm phán cùng với các nước về các hiệp định thương mại. Khó khăn của Việt Nam là đang ở trình độ phát triển của nước thu nhập trung bình - thấp nên trong đàm phán Việt Nam đưa ra các nguyên tắc như: có những đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nền kinh tế còn đang mở cửa, chuyển đổi, tiếp cận thị trường. Những nguyên tắc này của Việt Nam khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do đều được các nền kinh tế có trình độ phát triển hơn chia sẻ. Do đó, trong các hiệp định thương mại của Việt Nam đều có lộ trình, có thời gian để các doanh nghiệp, các địa phương có thời gian điều chỉnh, tham gia hiệu quả hơn.
Ông Robert Holleyman, thành viên của đoàn Hoa Kỳ, nhận xét với Việt Nam, các hiệp định đã ký kết và có hiệu lực thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam giao thương quốc tế thuận lợi hơn, tạo nhiều việc làm hơn cho người lao động và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Theo ông Robert Holleyman: "Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong tham gia các hiệp định thương mại là: Việt Nam có một nền kinh tế mở để có thể tham gia vào các hiệp định này. Có nhiều cơ hội cho việc làm, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và có thể trở thành một nền kinh tế phát triển hàng đầu".
Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng là một trọng tâm hợp tác của APEC, trong đó không thể thiếu vai trò của các FTA/RTA. Việc thực hiện hiệu quả các mô hình liên kết kinh tế này từng bước hiện thực hóa Mục tiêu Bogor (được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ hai vào năm 1994) về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 cũng như xác định một viễn cảnh cho APEC về việc thành lập Khu vực tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).