(VOV5) - Đóng góp vào thành công chung đó có vai trò hết sức quan trọng của ngành Công Thương trong các hoạt động kinh tế quốc tế, đặc biệt là hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây vừa có buổi làm việc trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Được xem là sứ giả kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài trong hội nhập kinh tế quốc tế, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã trực tiếp trao đổi với người đứng đầu chính phủ nhằm tìm giải pháp phát triển thị trường trong bối cảnh thế giới, khu vực đang có nhiều biến động phức tạp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị trực tuyến đối thoại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài diễn ra hôm 19/8 vừa qua. Ảnh: TTXVN |
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2021, kim ngạch ngoại thương của Việt Nam đạt hơn 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu. 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch ngoại thương của Việt Nam đạt hơn 433 tỷ USD. Dự báo cả năm, kim ngạch ngoại thương sẽ đạt khoảng 800 tỷ USD, đưa Việt Nam vươn lên top 10-15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu.
Đóng góp vào thành công chung đó có vai trò hết sức quan trọng của ngành Công Thương trong các hoạt động kinh tế quốc tế, đặc biệt là hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: VOV |
Sứ giả kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài
Hiện nay, hệ thống Thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bao gồm 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ. Hệ thống Thương vụ đã bảo đảm thực hiện tốt các chức năng chính là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các bộ, ngành và các doanh nghiệp để hỗ trợ việc tìm đối tác, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập hiệu quả thị trường nước ngoài… Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương khẳng định: "Hệ thống thương vụ đã vào cuộc để thu hút đầu tư, tận dụng sự thay đổi các luồng đầu tư trên thế giới và mặt khác đã hỗ trợ tích cực các địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp trong việc khai thác các nguồn nguyên liệu, vật tư để đa dạng hóa các nguồn này, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc gián đoạn sản xuất".
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương. Ảnh: VOV |
Các Thương vụ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Các Thương vụ còn chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài.
Phát huy hơn nữa vai trò tiên phong
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước, đặc biệt nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn do tham gia sâu rộng vào các cam kết thương mại toàn cầu. Bối cảnh này đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp. Tại hội nghị trực tuyến đối thoại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài diễn ra hôm 19/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải có các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác Thương vụ, phát triển và đa dạng hóa thị trường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: "Các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hằng ngày với những biến động của thế giới và thị trường nước sở tại, chủ động tiếp cận, nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách của nước sở tại, từ đó vận dụng, tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu và nắm vững hệ thống luật pháp, quy định và các phong tục, tập quán thương mại của nước sở tại để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại".
Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đang tiếp tục phát huy vai trò làm cầu nối cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thế giới, xây dựng và củng cố thị trường, mang đến nhiều kết quả khả quan cho nền kinh tế đất nước trong giai đoạn tới.
Bên cạnh tăng cường nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, chủ động cảnh báo, phòng ngừa, đưa ra khuyến cáo, kiến nghị xử lý các rủi ro, Thủ tướng yêu cầu cũng cần thúc đẩy đa dạng hóa thị trường bên cạnh các thị trường truyền thống sẵn có, tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rõ: Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đang tiếp tục phát huy vai trò làm cầu nối cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thế giới, xây dựng và củng cố thị trường, mang đến nhiều kết quả khả quan cho nền kinh tế đất nước trong giai đoạn tới.