Cắt giảm viện trợ quân sự - bước lùi trong quan hệ Mỹ-Ai Cập

(VOV5) - Sau hàng loạt các cuộc tấn công và trấn áp người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tại Ai Cập, Hoa Kỳ đã chính thức đình chỉ một số khoản viện trợ quân sự và kinh tế cho đồng minh từ giữa tuần này. Liệu đây có phải là quyết định khôn ngoan của chính quyền Mỹ khi Ai Cập, một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực Trung Đông, đang phải đối mặt với những thách thức từ kinh tế đến an ninh.


Cắt giảm viện trợ quân sự - bước lùi trong quan hệ Mỹ-Ai Cập - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


n hiệu xấu về tài chính, quân sự

Khoản tiền hỗ trợ tài chính mà Washington ngừng cung cấp cho Ai Cập khoảng 260 triệu USD, cùng với đó là việc Mỹ sẽ ngừng chuyển giao các loại vũ khí quan trọng, trong đó có 10 máy bay trực thăng Apache, máy bay chiến đấu F-16, xe tăng M1A1 Abrams và tên lửa Harpoon. Trước đó, Mỹ cũng đã hủy một cuộc tập trận chung với Ai Cập và hoãn chuyển giao 4 máy bay chiến đấu F-16 cùng nhiều khí tài đắt tiền cho nước này.

Thông qua quyết định ngừng hỗ trợ Ai Cập, Tổng thống Barack Obama muốn gây sức ép buộc chính quyền lâm thời Ai Cập giảm thiểu các trận đàn áp những người ủng hộ ông Morsi và tích cực hơn trong quá trình chuyển giao chính trị tại Ai Cập.

Việc ngừng khoản tiền hỗ trợ này không phải quá bất ngờ khi trước đó, dư luận đã râm ran khả năng Mỹ cân nhắc lại khoản viện trợ cho Ai Cập kể từ khi xảy ra vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Morsi hồi tháng 7 và các chiến dịch trấn áp đẫm máu sau đó nhằm vào các thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).  

Tự làm suy giảm ảnh hưởng

Khi quyết định cắt giảm viện trợ được Hoa Kỳ công bố chính thức đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Chính phủ lâm thời Ai Cập. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Badr Abdelatty nhấn mạnh quyết định của Mỹ là hết sức sai lầm và không đúng thời điểm khi Ai Cập đang phải đối mặt với những thách thức nguy hiểm liên quan đến khủng bố. Theo ông, quyết định này đã khiến chính giới Cairo hoài nghi về sự ủng hộ mang tính chiến lược của Washington đối với các chương trình an ninh của Ai Cập. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng khẳng định ban lãnh đạo nước này sẽ không thay đổi các chính sách hiện nay của mình.

Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem El-Beblawi cảnh báo rằng trong quá khứ, Ai Cập từng mua vũ khí của Nga và sẽ tìm phương án cho tương lai mà không cần tới sự trợ giúp của Mỹ. Ông cũng tiết lộ Saudi Arabia, UAE và Kuwait đã cam kết viện trợ hàng tỷ USD cho Chính phủ mới của Ai Cập, những khoản viện trợ này sẽ giúp cho quân đội có thể tồn tại mà không bị ảnh hưởng do thiếu viện trợ quân sự của Mỹ. Tổng tư lệnh quân đội Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi thì khuyến cáo rằng Ai Cập sẽ không dung thứ trước bất kỳ sức ép nào, dù là thông qua hành động hay chỉ là sự ám chỉ.

Quyết định của Mỹ không chỉ khiến quan hệ với đồng minh căng thẳng mà còn được dự báo sẽ gây hậu quả khá nặng nề đối với kinh tế Ai Cập sau hơn 2 năm nước này chìm trong bất ổn. Ngành du lịch đi xuống, cuộc khủng hoảng kinh tế diễn biến trầm trọng.

Trấn an đồng minh

Tuy cắt giảm viện trợ quân sự và kinh tế nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Mỹ vẫn duy trì các khoản viện trợ cho y tế, giáo dục, chống khủng bố và bảo đảm an ninh biên giới của Ai Cập. Quyết định đình chỉ viện trợ cho Ai Cập không có nghĩa Washington muốn làm trầm trọng quan hệ giữa hai nước. Mỹ không có ý định khép lại mối quan hệ nay hay đi ngược lại những cam kết hỗ trợ nghiêm túc. Ông cũng để ngỏ khả năng chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ nối lại viện trợ, tùy thuộc vào các bước đi tiếp theo của chính quyền lâm thời nhằm hướng tới một sự chuyển giao chính trị tại Ai Cập.

Tuy nhiên, sự trấn an này xem ra là chưa đủ.

Ai Cập từng là điểm sáng kinh tế ở Trung Ðông - Bắc Phi. Từ năm 1978, Ai Cập được xem là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực nhiều biến động này. Nhưng với những gì đang diễn ra xem ra lợi ích của Mỹ trong khu vực khó có thể được đảm bảo như trước và tiếng nói của Mỹ với chính phủ lâm thời Ai Cập dường như đang mất dần trọng lượng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác