Chất vấn và trả lời chất vấn để tạo sự đồng thuận vận hành đất nước

(VOV5) - Chất vấn là hoạt động thể hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất của một kỳ họp Quốc hội. 

Phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bắt đầu sáng nay, 10/11. 4 lĩnh vực được các đại biểu Quốc hội lựa chọn để chất vấn các thành viên Chính phủ trong hai ngày rưỡi họp là: Y tế; Lao động - Thương binh và xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và đào tạo. Phiên chất vấn được chuẩn bị kỹ lưỡng, với hy vọng tạo hiệu ứng tích cực cho cả nhiệm kỳ. 

Chất vấn và trả lời chất vấn để tạo sự đồng thuận vận hành đất nước - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 10/11/2021. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Chất vấn là hoạt động thể hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất của một kỳ họp Quốc hội. Thông qua chất vấn và trả lời chất vấn, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ, để tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội…

Chất vấn những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống

Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã được triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm quy định của pháp luật: “Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, văn bản đề nghị các đại biểu Quốc hội đề xuất các nội dung chất vấn và người được chất vấn, cũng như các báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đã  tổng hợp các nhóm vấn đề nổi lên.Sau khi tiến hành họp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến và biểu quyết bằng phiếu chọn được 6 nhóm vấn đề. Sau đó tiếp tục xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì rút xuống còn 5 nhóm vấn đề. Cuối cùng là xin ý kiến tất cả các đại biểu Quốc hội để chọn ra được 4 nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này, gồm: lĩnh vực y tế; lao động, thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; giáo dục và đào tạo”.

Chất vấn và trả lời chất vấn để tạo sự đồng thuận vận hành đất nước - ảnh 2Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Quốc hội dự phiên chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bày tỏ: “Tôi đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Tổng thư ký cũng như các cơ quan hữu quan trong việc đưa ra các nội dung, các nhóm chất vấn rất sát. Các đại biểu Quốc hội mong đợi qua các phiên chất vấn sẽ làm rõ nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm.”

Đồng tình với 4 nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn lần này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng:“Thường trực Quốc hội đã có phân tích kỹ lưỡng, trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề nghị chất vấn của các địa phương, các đoàn đại biểu gửi đến Quốc hội. Và nội dung tôi quan tâm nhất là công tác y tế, của công tác phòng chống dịch, của công tác khám chữa bệnh điều trị, người bị nhiễm bệnh và của công tác đảm bảo an sinh xã hội”.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, chia sẻ: “Tôi quan tâm về nhóm phục hồi kinh tế sau đại dịch và vấn đề tiếp tục có các chủ trương, chính sách, giải pháp chống dịch một cách có hiệu quả. Kết hợp cả phòng chống dịch Covid cũng như là phục hồi phát triển nền kinh tế của đất nước. Đây là mối quan hệ có tính hữu cơ và biện chứng với nhau. Cho nên là xác định lĩnh vực phát triển kinh tế và lĩnh vực phòng, chống dịch Covid vào trong 4 nhóm vấn đề chất vấn lần này là hoàn toàn phù hợp”.

Chất vấn để tạo sự đồng thuận xã hội

Mục đích cuối cùng của chất vấn là để xác định trách nhiệm trong quản lý, điều hành và thực thi pháp luật của Chính phủ, người đứng đầu các ngành, lĩnh vực, phát hiện những điểm còn chưa hoàn thiện, chưa hợp lý, tìm giải pháp để tháo gỡ, khắc phục hoặc thúc đẩy tổ chức thực hiện. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội, cử tri đánh giá được năng lực, sự sâu sát, quán xuyến của người đứng đầu cơ quan nhà nước đối với lĩnh vực được phân công phụ trách, từ đó đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở từng vị trí. Do đó có thể nói chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, có tác động mạnh mẽ mang lại sự chuyển biến rõ nét trên thực tế ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực.

Qua những kỳ họp Quốc hội gần đây, cử tri và nhân dân nhận thấy không khí thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, có tính tranh luận và đối thoại với tinh thần xây dựng cao trong các phiên chất vấn. Việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề. Công tác tham mưu, chuẩn bị cho hoạt động chất vấn bài bản, kỹ lưỡng.

Tiếp nối thành công của hoạt động chất vấn của các khóa Quốc hội trước, dư luận tin tưởng phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ chuyển tải đầy đủ những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát. Tất cả hướng đến mục tiêu tìm ra tiếng nói đồng thuận, giúp quản lý, điều hành đất nước hiệu quả hơn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác