Chiến thắng Điện Biên Phủ: nhìn từ quá khứ hướng đến tương lai

(VOV5) - 68 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày nay, Việt Nam và Cộng hòa Pháp đang xây dựng một mối quan hệ vững chắc dựa trên những liên hệ gắn bó sâu sắc giữa hai dân tộc.

Ngày 7/5/2022 tròn 68 năm ngày quân và dân Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ, tạo nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ngày nay, 2 dân tộc Việt Nam và Pháp đang cùng nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ vững chắc dựa trên những liên hệ gắn bó sâu sắc giữa hai dân tộc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: nhìn từ quá khứ hướng đến tương lai - ảnh 1Bộ đội Việt Nam vẫy cờ trên nóc một hầm chỉ huy của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, ngày 7-5-1954. Ảnh: AFP.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 68 năm về trước (07/05/1954 – 07/05/2022) đã kết thúc gần một thế kỷ đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam chống sự xâm lược, thống trị của thực dân Pháp; làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

Chiến thắng vang danh sử sách

Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Cho đến nay, sự kiện đó vẫn được đề cập trong nhiều tài liệu lịch sử. Chiến thắng này đã đập tan những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Đông Dương, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ở phạm vi thế giới, chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm đảo lộn chính sách thuộc địa của thực dân Pháp, buộc họ phải có sự điều chỉnh, tôn trọng quyền của các dân tộc, công bố quyền tự trị hoặc trao trả độc lập cho nhiều nước châu Phi.

Lý giải về nguyên nhân chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhiều nhà sử học cho rằng chiến thắng được tạo bởi 3 yếu tố cơ bản: chiến lược, chiến thuật rõ ràng; quân đội anh dũng; công tác hậu cần được bảo đảm vững chắc.

Tiến sĩ sử học người Pháp Ivan Cadeau, tác giả cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13/3 - 07/5/1954", nhận định: “Có nhiều yếu tố làm nên chiến thắng này. Sự tài tình của chính phủ Việt Nam là biết tận dụng và huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của toàn dân và toàn quân. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây vai trò của lực lượng công binh và pháo phòng không hạng nặng phá hủy đường băng, cắt đứt tuyến đường tiếp viện của quân đội Pháp cho Điện Biên Phủ. Lý do thứ hai là Bộ tham mưu của Việt Minh rất có chiến lược co giãn lĩnh hoạt trong mỗi lần tiến công khiến phía Pháp không thể đoán định. Một điểm nữa dù bị hạn chế về vũ khí, khí tài quân sự quân đội Việt Nam sử dụng chúng rất hiệu quả. Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là nghệ thuật kinh điển của quân sự thế giới”.

Hướng tới tương lai

68 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày nay, Việt Nam và Cộng hòa Pháp đang xây dựng một mối quan hệ vững chắc dựa trên những liên hệ gắn bó sâu sắc giữa hai dân tộc. Pháp là một đối tác chiến lược của Việt Nam từ năm 2013. Đó là mối quan hệ đối tác dựa trên các cuộc tham vấn thường xuyên giữa hai nước và cả trên các hoạt động hợp tác hết sức dày đặc và cụ thể trong rất nhiều lĩnh vực, vì lợi ích của hai nước, từ văn hóa tới an ninh, y tế hoặc Pháp ngữ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: nhìn từ quá khứ hướng đến tương lai - ảnh 2Trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: VOV

Dự kiến, cuối năm 2022, hai bên đưa tuyến metro số 3 của Hà Nội (dự án được Pháp hỗ trợ tài chính trên 500 triệu euro) vào sử dụng. Tiếp theo là các chương trình hợp tác phòng chống đại dịch COVID-19, với việc Việt Nam trao tặng khẩu trang cho Pháp năm 2020 và Pháp trao tặng 2 triệu liều vaccine năm 2021 và các đợt trao tặng mới đang được chờ đợi trong năm 2022. Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với việc khoản cung cấp tài trợ mới của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để mở rộng đập thủy điện Hòa Bình và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất điện.

Bên cạnh đó, hai nước cũng có những hoạt động hợp tác hữu ích trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, như thỏa thuận hợp tác được ký vào tháng 11 năm 2021 giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm quốc gia nghiên cứu vũ trụ Pháp và Airbus trong lĩnh vực vũ trụ. Đáng chú ý, kết quả chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11 năm 2021 đã minh chứng cho mối quan hệ phong phú và sự đa dạng về chủ đề mà hai bên mong muốn tiếp tục cùng nhau hợp tác.

Trả lời báo chí về quan hệ Việt - Pháp, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: “Lãnh đạo cấp cao hai nước đều thống nhất với nhau là cần phải xây dựng một kế hoạch hành động hằng năm để triển khai đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Pháp. Tôi cho rằng kế hoạch hành động này sẽ bao hàm tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, cho đến quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại đầu tư, cho đến văn hóa, giáo dục đào tạo rồi y tế. Tôi tin rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Pháp sẽ được nâng tầm cao mới trong thời gian tới”.

Năm 2023, Việt Nam và Cộng hòa Pháp sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Thành quả này cho thấy hai nước đều đã, đang vượt qua quá khứ của 68 năm về trước để xây dựng một mối quan hệ hữu nghị ngày càng quan trọng hơn với cả hai.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác