(VOV5) - “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” được chính phủ phê duyệt ngày 6/1/2021.
Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển Chính phủ số, công dân số, xã hội số tại Việt Nam. Qua 1 năm triển khai, nhiều thành tựu quan trọng đã đạt được, từng bước đi vào cuộc sống.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: báo Nhân dân |
Đề án của Chính phủ xác định các mục tiêu và giải pháp cụ thể, như: Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đến nay, nhiều nền tảng quan trọng đã được thiết lập.
Những thành tựu nền tảng
Sau một năm thực hiện, Đề án đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là việc nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia chuyển biến tích cực ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: báo Nhân dân |
Hiện, có 48/63 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh. Bộ Thông tin và truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành đánh giá và công bố trên 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 1 nền tảng số. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm. Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
Những kết quả đạt được là động lực để Việt Nam tiếp tục tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tại Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện đề án diễn ra ngày 25/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm, cần phải tiếp thu những thành tựu kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, và phải có tư duy đột phá tầm nhìn chiến lược phát huy tinh thần tự lực, tự cường đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Phải tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sức mạnh tổng lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Chính phủ số là động lực chính, là then chốt dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số Chuyển đổi số triển khai trên tất cả các lĩnh vực, có trọng tâm trọng điểm, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả".
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, lấy người dân làm trung tâm
Trong quá trình phát triển Chính phủ số, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối, chia sẻ các nền tảng số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia có vai trò quan trọng cho việc tạo lập hệ thống thông tin chung của quốc gia, hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách cũng như người dân có thể tiếp cận được thông tin nhanh chóng và khoa học.
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc kết nối, khai thác dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số. Do đó, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tham gia vào quá trình này. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Năm 2023 là năm dữ liệu, vì vậy, dứt khoát trong năm 2023 này, chúng ta phải xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia. Đây là tài sản quốc gia. Việc đảm bảo an ninh an toàn thông tin, đảm bảo quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật".
Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung hoàn thành và triển khai các dịch vụ công thiết yếu, đồng thời hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã cung cấp trên môi trường mạng, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Xây dựng Chính phủ số đã và đang được tất cả các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai nhằm tạo ra một phương thức điều hành mới, một cách làm mới nhằm tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.