Chủ động giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

(VOV5) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 25/8 chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ và một số bộ ngành chức năng đánh giá về những tác động của kinh tế thế giới gần đây đối với nền kinh tế Việt Nam. Không phải đến phiên họp này mà từ trước đó, Việt Nam đã đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực từ bên ngoài để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.

 

Chủ động giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN


Những tác động tiêu cực gồm giá dầu thế giới giảm mạnh, thị trường chứng khoán trên thế giới diễn biến bất thường, các dòng vốn quốc tế và chính sách tỷ giá của nhiều nước trên thế giới liên tục được điều chỉnh sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, liên tục sụt giảm, đã tác động không nhỏ đến kinh tế thế giới, trong đó có kinh tế Việt Nam.

 

Ứng phó kịp thời

Sự chủ động ứng phó của Việt Nam thể hiện trong chính sách điều hành tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ mạnh. Ngay từ đầu năm, khi thị trường tài chính quốc tế xuất hiện những yếu tố diễn biến ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế lớn như giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử và sự cộng hưởng của việc tăng lãi suất của Fed cùng với khủng hoảng kinh tế của Châu Âu và cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp, khiến đồng USD tăng giá nhiều hơn so với dự kiến của Fed, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 2 lần. Tổng cộng mức điều chỉnh của hai lần là 2%. Vì vậy thị trường ngoại hối và tỷ giá về cơ bản là ổn định trong hơn 7 tháng qua. Sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một lần nữa thể hiện thông qua việc ứng phó với những sự kiện kinh tế nóng những ngày qua. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: “Trong ngày 11/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ 1,9%, đây là một cú sốc mới kéo theo sự giảm giá của một loạt các đồng tiền chủ chốt trong khu vực Châu Á. Xét thấy Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực Châu Á lại là nhóm đối tác thương mại lớn của Việt Nam và việc Việt Nam lại có nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, nên Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá để tạo sự chủ động và linh hoạt hơn cho tỷ giá trước các tác động này”.

 

Dư luận cho rằng phản ứng chính sách và những giải pháp bước đầu của Việt Nam trước tình hình kinh tế thế giới những ngày qua là kịp thời, phù hợp. Phó giáo sư Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính- Marketing thành phố Hồ Chí Minh, nêu rõ: “Việc điều hành chính sách tỷ giá ở Việt Nam có hai nhóm yếu tố tác động. Tác động từ bên ngoài với tình hình kinh tế thế giới hiện nay, tăng mạnh của đồng đô la Mỹ trong những tháng qua và sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ gây áp lực cho điều chỉnh tỷ giá của chúng ta. Yếu tố bên trong là xuất khẩu tốc độ tăng có chậm đi, nhập siêu có lớn lên. Do đó, chúng ta phải điều chỉnh tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá như vậy là hợp lý, kịp thời linh hoạt, cùng với nhịp đập chung của thế giới và tình hình kinh tế trong nước”.

 

Chủ động trước những diễn biến khó khăn hơn

Những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ và có đối sách một cách chủ động, kịp thời, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực và khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi. Chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt đã được tính đến cho một kịch bản kinh tế từ nay đến cuối năm. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định: “Với quyết tâm bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị đầy đủ các giải pháp, công cụ cần thiết.Việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và với biên độ +/-3% sau hai lần điều chỉnh, tỷ giá tiền đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”.

 

Không những thế, Việt Nam còn chuẩn bị các kịch bản ứng phó đối với những tác động của giá dầu giảm sâu, kể cả kịch bản giá dầu giảm ở mức thấp nhất. Bộ Tài chính khẳng định với giá dầu như hiện nay, việc thu ngân sách của Việt Nam vẫn đảm bảo theo kế hoạch vượt thu khoảng 8%. Đối với diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Bộ ngành khẳng định thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục trong thời gian tới.

 

Với những quyết sách mới đây để ứng phó với những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, về tổng thể Việt Nam vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô. Các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, thu ngân sách, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất kinh doanh vẫn bảo đảm như mục tiêu đã đề ra.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác