(VOV5) - Cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz có chuyến công du chính thức đầu tiên tới Ấn Độ, quốc gia ngày càng có vị thế quan trọng tại khu vực và trên thế giới
Diễn ra trong bối cảnh nước Đức và toàn châu Âu đang đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng, chuyến công du Ấn Độ của người đứng đầu Chính phủ Đức được cho là mang ý nghĩa quan trọng, với không chỉ Berlin, mà với cả châu Âu và hơn thế nữa.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Ảnh: Indiaexpress |
Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của ông Olaf Scholz kể từ khi trở thành Thủ tướng Đức tháng 8/2021. Chuyến thăm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi diễn ra trong thời điểm hết sức đặc biệt, khi nước Đức và hầu hết châu Âu đang chịu tác động nặng nề từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong khi Ấn Độ ngày càng nổi lên là đối tác quan trọng mà hầu hết các bên đều muốn tiếp cận và tận dụng.
Bối cảnh đặc biệt
Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, thời điểm chuyến thăm diễn ra là rất đáng chú ý. Thứ nhất, chuyến thăm diễn ra đúng dịp một năm xung đột Nga-Ukraine bùng phát (ngày 24/2/2022), sự kiện đang tác động sâu rộng tới cục diện địa chính trị toàn cầu, trong đó châu Âu, bao gồm cả Đức, là khu vực liên quan và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đáng nói là: trong cuộc khủng hoảng này, nước Đức đang ngày càng thể hiện vai trò và sức ảnh hưởng rõ nét.
Đức hiện là một trong những nước phương Tây cung cấp vũ khí và tài chính lớn nhất cho Ukraine. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức), đến nay, Berlin đã cam kết viện trợ quân sự trị giá hơn 2,5 tỷ USD cho Kiev.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Ảnh: Indiaexpress |
Thứ hai, nước Đức đang trong tiến trình điều chỉnh chính sách đối ngoại mạnh mẽ, nhất là với các cường quốc thế giới. Trong đó, Berlin tăng cường củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống là Mỹ và châu Âu, đồng thời nới rộng khoảng cách với Nga, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Song song với đó, Đức đang tích cực đẩy mạnh việc đa dạng hóa các đối tác kinh tế và thị trường lớn nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc…
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ lại đang ngày càng trở thành một đối tác quan trọng trên phạm vi toàn cầu. Quốc gia Nam Á này không chỉ là thị trường đông dân thứ hai thế giới, mà còn có vị thế địa chính trị quan trọng, một trong số những quốc gia trên thế giới được xác định sở hữu vũ khí hạt nhân. Đáng chú ý, Ấn Độ nằm trong số những quốc gia kiên định không hưởng ứng các lệnh trừng phạt chống Nga mà Đức và các đồng minh phương Tây đang áp đặt liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Hôm 23/2 vừa qua, Ấn Độ tiếp tục bỏ phiếu trắng khi Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi Nga rút quân ngay lập tức. Trước đó, ngày 12/10/2022, New Dehli cũng bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về phản đối Nga sáp nhập 4 khu vực li khai từ Ukraine. Không chỉ có vậy, New Dehli còn đang duy trì và không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với Moscow, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, góp phần giúp Nga có thêm những nguồn lực quan trọng để trụ vững trước hàng nghìn lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Bước đi chiến lược của Berlin
Với thực tế đó, chuyến công du tới Ấn Độ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz mang những tính toán chiến lược cùng mục tiêu đầy tham vọng. Trong đó, nổi bật là mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Berlin và New Dehli. Điều này được thể hiện rõ nét trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm (25/2).
Tại đây, hai nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, bên cạnh một số vấn đề hai bên cùng quan tâm như xung đột ở Ukraine, tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương... Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo tiến hành cuộc thảo luận với đại diện doanh nghiệp hai nước. Trong chuyến thăm, người đứng đầu Chính phủ Đức cũng đến thăm Bengaluru, thành phố được mệnh danh là “thung lũng Silicon" của Ấn Độ.
Phát biểu họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định hai bên đã nhất trí thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và EU, trong đó có việc sớm hoàn tất thủ tục để tiến tới ký kết Hiệp dịnh thương mại tự do (FTA) giữa hai bên. Người đứng đầu Chính phủ Đức cũng đánh giá cao sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin và phần mềm đang bùng nổ tại Ấn Độ, nhấn mạnh rằng nhiều công ty có năng lực cũng đang hoạt động tại quốc gia Nam Á này. Thủ tướng Đức cũng bày tỏ mong muốn nước này có thể thu hút lực lượng lao động chất lượng cao từ Ấn Độ.
Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, cách tiếp cận từ góc độ thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại với Ấn Độ là bước đi mang tính chiến lược nhằm phục vụ những mục tiêu tham vọng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Hướng đi này không chỉ giúp Berlin và EU có thêm những lợi ích kinh tế-thương mại to lớn từ quốc gia Nam Á giàu tiềm năng, mà còn giúp củng cố và tăng cường vị thế của nước Đức, nền kinh tế lớn nhất EU.
Điều này không chỉ đáp ứng mục tiêu đa dạng hóa thị trường của Berlin và củng cố vị thế của cá nhân Cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz có chuyến công du chính thức đầu tiên tới Ấn Độ, quốc gia ngày càng có vị thế quan trọng tại khu vực và trên thế giới tại Đức và EU, mà còn mở ra cơ hội từng bước kéo New Dehli xích lại gần hơn với EU và phương Tây. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận về tính hiệu quả của những tính toán tham vọng này.