Cơ chế đảm bảo quyền con người trong đồng bào thiểu số ở Việt Nam

(VOV5)- Tại Hội thảo quốc tế “ Cơ chế đảm bảo quyền con người cho các dân tộc thiểu số ở VN và kinh nghiệm ở một số nước Châu Âu, khu vực Đông nam á”, đang diễn ra tại Hà nội, đại biểu tham dự khẳng định Đảng và Nhà nước VN luôn xác định công tác dân tộc, chính sách dân tộc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và đã thực thi nhiều chính sách đảm bảo quyền con người trong nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số:

Cơ chế đảm bảo quyền con người trong đồng bào thiểu số ở Việt Nam - ảnh 1
Đưa tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số vào trường học sẽ giúp người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức. Nguồn Internet

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với những đặc điểm riêng mà nhiều quốc gia khác không có. Hiện cả nước có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, còn các dân tộc khác có dân số ít hơn gọi là dân tộc thiểu số. Địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, trình độ phát triển về kinh tế-xã hội của các dân tộc thiểu số vì thế thường thấp hơn, khó khăn hơn so với dân tộc Kinh. Bởi vậy, chính sách, pháp luật nhất quán của Đảng và Nhà nước VN đối với các dân tộc là: Đoàn kết, bình đẳng, thương yêu, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc.Thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia lớn, dành ưu tiên cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhiều năm qua đem lại thành quả to lớn cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó phải kể đến chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở; Chương trình 135 phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, giúp đỡ đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; Nghị quyết 30a thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững cho 62 huyện nghèo trong toàn quốc, chủ yếu là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số… Chị H’ Black, dân tộc Bana ở tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số Đắc Lắc nói riêng. Ấn tượng nhất là chính sách của Đảng và Nhà nước VN đã đem đến cho đồng bào những đổi thay, ví dụ như là chương trình điện, đường, trường, trạm… Điều này những chế độ trước đây không có được. Rồi trồng cây công nghiệp, cây cà phê… Trước đây đồng bào chưa biết làm nhưng đến nay thì thậm chí còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cây trồng, làm đổi thay bộ mặt nông thôn, đổi thay bộ mặt buôn làng”.

Cho đến nay, 100% số xã ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số đã có trạm y tế, trường tiểu học. Chính phủ VN đã ban hành quy định việc dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên và việc dạy tiếng dân tộc thiểu số được triển khai ở hơn 7.000 trường. Đặc biệt, Nhà nước đã xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú với hàng vạn con em đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước nuôi, dạy hoàn toàn miễn phí. Đây thực sự  là một cố gắng lớn đối với một quốc gia còn nghèo như Việt Nam. Mạng lưới điện và dịch vụ bưu chính-viễn thông đã có ở  100% số huyện và 95% số xã có đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình phát thanh phủ sóng trên 90% và truyền hình phủ sóng gần 80% lãnh thổ quốc gia với các chương trình tiếng dân tộc thiểu số. Những thành tựu trong việc nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số khẳng định cơ chế đảm bảo quyền con người trong nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số và góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thành tựu đảm bảo quyền con người ở VN. Ông Đặng Dũng Chí, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Quyền con người ở VN  được bảo vệ ngày càng đầy đủ hơn trên tất cả mọi lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa.  Trên thực tế, Nhà nước không ngừng tổ chức, hoàn thiện bộ máy từ trung ương đến cơ sở để tất cả chính sách pháp luật phải được đảm bảo trên thực tế. Như chúng ta đã thấy, nhà nước còn ban hành rất nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia để thực hiện quyền con người cho tất cả mọi người dân VN cũng như các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội”.


Rõ ràng, việc đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số, nhất là quyền phát triển luôn là ưu tiên cao của Việt Nam, thể hiện trong luật pháp, chính sách, các chương trình quốc gia. Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu trong thực tế, đặc biệt về xóa đói giảm nghèo, giáo dục,  y tế, tạo việc làm, giữ gìn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống của các dân tộc thiểu số. Tại Hội thảo quốc tế “ Cơ chế đảm bảo quyền con người cho các dân tộc thiểu số ở VN và kinh nghiệm ở một số nước Châu Âu, khu vực Đông nam á”, các chuyên gia thuộc các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này. Ông Ugo Caruso, Chuyên gia của EU về nhân quyền, cho biết bản thân ông cảm thấy lạc quan về cách mà chính phủ Việt Nam thực thi chính sách đảm bảo quyền con người.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng do nguồn lực còn hạn chế của một nước đang phát triển nên Việt Nam vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo đầy đủ các quyền cho mọi người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, những giải pháp tổng thể vẫn cần được tính đến trong việc đảm bảo quyền con người cho đồng bào dân tộc thiểu số: “Chúng ta tiếp tục giao đất và đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đó là một cơ sở rất tốt để đồng bào các dân tộc thiểu số có thể phát huy được sinh kế của mình. Cái thứ hai, những định kiến và kỳ thị đối với việc tạo ra môi trường để đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển phải được xóa bỏ. Thứ ba là phát triển giáo dục đào tạo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình giáo dục đào tạo phải hướng tới cán bộ địa phương, đào tạo các kỹ năng, kiến thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số phải được thực hiện mạnh mẽ”.

 Việc nâng cao dân trí, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững tại những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sẽ là một trong những điều góp phần đảm bảo quyền con người tốt nhất cho đồng bào. Điều này sẽ giúp việc tạo ra việc làm và động lực để khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân tộc thiểu số, để họ ngày càng hòa nhập và vững vàng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là cách mà Việt Nam đang hướng tới thực hiện trong tương lai./.

Phản hồi

Các tin/bài khác